BVR&MT – Nhập vai đệ tử của một quan chức có máu mặt đang cần gấp nguồn “hàng hiếm”, nhóm phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã thâm nhập được vào đường dây buôn bán động vật hoang dã tương đối lớn mà ở đó không chỉ có sự móc ngoặc giữa những “ông trùm” nội địa mà còn thông qua rất nhiều đầu nậu xuyên biên giới, đặc biệt là từ Lào, Campuchia và châu Phi.
Sau hơn một tháng rong ruổi khắp Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, TP.HCM…, chúng tôi đã ghi lại được những hình ảnh chân thực đến rùng rợn trong “hang ổ” tàn sát, chế biến, chế tác các mặt hàng và sản phẩm từ muông thú, đặc biệt là mặt hàng cao hổ, cao khỉ. Ở những nơi này, sức mạnh của đồng tiền thống trị tất cả, bao gồm cả lương tri và công lý.
Trước khi nhập vai, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử đã dò tìm được rất nhiều thông tin, hình ảnh và đầu mối rao bán động vật hoang dã cùng các sản phẩm, dẫn xuất của chúng trên mạng internet. Chỉ cần theo dõi một vài trang cá nhân của những người buôn bán động vật hoang dã trong vòng một tháng đã thấy hàng chục con hổ bị giết thịt, róc xương để nấu cao với đơn giá lên đến hàng chục triệu đồng một lạng. Có thể không quá khi nói rằng mạng xã hội đang là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các băng nhóm đầu nậu, trong đó hình thức liên hệ qua zalo và facebook phổ biến hơn cả. Đây được coi là nguồn “chợ đen” khổng lồ, là tụ điểm mua bán sôi động các loài động vật từ hạng “bình dân” như hươu, nai, khỉ, voọc, rùa… tới hổ, báo, gấu, tê tê… Sau màn mày mò làm quen, nhóm đã “bắt” được một số mối hàng nhất định và tiến hành thị sát tại rất nhiều tỉnh, thành như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, TPHCM… Sau cùng, nhóm thâm nhập sâu vào một số tụ điểm thu gom, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD với số lượng lớn tại Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM – nơi được coi là “thủ phủ” nuôi nhốt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái phép với nguồn thú rừng từ chính Việt Nam và nước bạn Lào. Điểm đầu tiên chúng tôi xuất phát là Hà Nội.
Có mặt tại hai ngôi làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín và làng Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai – địa danh nức tiếng với các “trùm” anh chị trong nghề buôn bán đầu lâu, sừng cảnh, mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng nhóm vẫn khá bất ngờ trước sự xuất hiện ngang nhiên của hàng loạt hàng quán trưng bày sừng cảnh với các tấm biển quảng cáo còn hoành tráng hơn cả biển đề tên cổng làng, trên biển ghi chú đầy đủ thông tin về những sản phẩm được cho là đồ mỹ nghệ chế tác từ sừng động vật, chủ yếu là sừng trâu rừng, bò rừng, sơn dương sừng kiếm, linh dương đầu bò, nai sừng tấm nhập từ châu Phi xa xôi.
Men theo dãy dài đầu trâu, đầu bò bày la liệt ven đường Thụy Ứng, chúng tôi tìm đến nhà H.R., trùm sò về chế tác sừng ở đây. Sát cạnh ngôi nhà khang trang của R. là kho và xưởng hàng được gắn camera giám sát mọi ngõ ngách. Trong căn phòng khách rộng chừng 50 m2, quanh bốn bức tường là hàng trăm chiếc đầu, sừng động vật treo san sát, ngay cả cầu thang lên tầng 2 cũng được trưng dụng triệt để để bày hàng. Theo quan sát nhanh của nhóm, chừng khoảng 300 hiện vật trong phòng đã được chủ cơ sở hoàn thiện và sẵn sàng đóng hàng khi gặp khách. R. cho hay số sừng và đầu này được nhập từng container từ châu Phi về qua đường biển, khi nhập là đồ vật thô, sau khi mài mòn, sơn sửa, đánh bóng… thì mới bày biện.
“Phần lớn sừng treo ở nhà là sừng quý hiếm” – H.R nhấn mạnh chữ “hiếm” khi thấy chúng tôi tỏ ra xuýt xoa chiếc sừng dê xoăn tít. Ngoài ra, ông chủ chế tác cũng không quên quảng cáo thêm: “Cái sừng đó 5 triệu, đầu dê lấy ở các tỉnh giáp Tây Tạng, Liên Xô cũ, sống ở núi tuyết nên lông dày. Đây là sừng rất quý hiếm nên đắt, còn đầu bò thì rẻ hơn”. Chỉ tay về phía một đầu bò rừng thuộc loại “khủng nhất” cửa hàng, chiều rộng hai sừng chắc tầm một sải tay người lớn không hết, R. cho biết: “Con bò này nhập từ châu Phi qua đường biển vì đường bộ khó qua hải quan các nước, một số hàng thì đi đường lậu, mình cứ đặt khi nào được thì họ chuyển, tất cả các sản phẩm bày ở đây đều được cơ quan chức năng kiểm tra, đều là sản phẩm mỹ nghệ, không vấn đề gì, chỉ có đầu hươu là của Việt Nam… Ngoài đầu bò, ở đây còn nhiều loại khác, giá cũng tùy, kể cả sơn dương sừng kiếm cũng không thiếu”.
Khi nhóm phóng viên tỏ ý lo ngại vì khâu vận chuyển khi ra đường, chủ cơ sở khẳng định chắc nịch: “Buôn bán đã hơn 10 năm nay rồi nên cứ yên tâm. Trước đây các cửa hàng còn sợ viết hóa đơn chứ bây giờ có các cơ quan quản lý, ba tháng đóng thuế hóa đơn một lần, một năm đóng thuế môn bài, ở xã thì mỗi năm đôi ba lần kiểm tra, còn các sếp cao hơn nữa mình có chút quà, chừng một triệu gì đó vì mình bán cũng có lãi đâu”. Không chỉ trấn an về mặt pháp lý, ông chủ tiệm còn đến mặt đạo đức khi treo sừng nhằm cố vớt vát cái tâm với muông thú: “Các con này nó chết rồi, mình vẫn treo lên, treo lên là làm đẹp cho nó, giúp nó tô điểm cho đời, trở thành con vật có ích chứ cứ để nó ở rừng thì đất phủ lên là hết, chả còn gì”.
Quan sát kỹ thì thấy ngoài một số mặt hàng được phép nhập khẩu thì không ít loài bị cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại cũng có mặt tại nhà R. và hành vi mua bán, chế tác ngang nhiên của các chủ cửa hàng nơi đây đã vô tình kích thích thị hiếu người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ tăng cao, qua đó gián tiếp tàn sát không ít các loài thú quý như tê giác, voi, hổ…
Rời nhà H.R, chúng tôi tiếp cận thêm chủ cơ sở chế tác sừng ở thôn Dư Dụ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội tên S.H. Không chỉ sở hữu kho sừng khủng, S.H. còn chuyên làm hươu nhồi bông, thậm chí chủ nhà còn chế tác hẳn một chiếc ghế bằng sừng bò châu Phi để tiếp khách. H. cho biết trung bình sừng được bán với giá 2 triệu đồng/kg, chủ yếu là bán buôn: “Đối với các loại sừng như này thì mình lấy từ châu Phi, về chỉ việc cọ rửa sạch sẽ và đem treo thôi còn mấy cái đồ ở nơi khác thì họ đã chế tác lại rồi và là đồ mỹ nghệ. Em bán 2 triệu đồng một cân. Toàn sừng thật đấy, giả cho luôn, Sơn Dương sừng kiếm đấy. Bao nhiêu cân thì nhân lên ra tiền thôi”.
Phía sau ngôi nhà là hàng chục chú hươu đã được nhồi bông chờ khách đến mua và trên tường cũng treo rất nhiều đầu tuần lộc được nhồi như thật. Mắt của chúng trợn ngược với ánh nhìn đầy ám ảnh, bi ai.
Vừa xem hàng, nhóm vừa dò hỏi nhu cầu mua động vật tươi sống để ăn hoặc nấu cao. Ban đầu H. lưỡng lự, sau một hồi trao đổi và nói về nhu cầu của nhóm không chỉ là các sản phẩm từ động vật khô mà cần mua khỉ hoặc cao khỉ để biếu sếp, thậm chí cao gấu, cao hổ cũng mua. Ngay lập tức H. nhấc máy cho một đệ tử ở Nghệ An, chuyên cung cấp khỉ và các loài động vật từ Nghệ An ra Hà Nội và các tỉnh lân cận để nấu cao.
Sau cuộc điện thoại ngắn ngủi, H cho biết: “Khỉ sống thì không có, chỉ có đông lạnh thôi vì nó mang về sao được, khỉ ở bên Lào. Em ở đây không bán nhưng nếu anh lấy thì em bảo em em chuyển ra Hà Nội cho. Tức là ở đây em chỉ là trung gian nếu ai lấy hàng thì gọi vào trong đó thì sẽ có người vận chuyển ra tận nơi cho anh. Hổ thì không có trong tự nhiên đâu nhưng có hàng của bên Lào và của dân nuôi. Tức là người ta đào hầm rồi nuôi như nuôi lợn ấy, khi nào có khách thì mới lôi lên giết. Cái đồ đấy thì không để biết được, mình để lung tung chứ cái đấy để ở nhà là biết ngay”.
Vậy là đã xong. Đầu mối tiếp theo là nhân vật tên N., nhà ở gần cầu Yên Lý, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trước khi về, S.H. còn không quên nhắc nhở: “Bây giờ anh nghiên cứu đi, một là vào lấy, hai là bảo họ chuyển ra cho mình. Chứ khỉ sống bây giờ là không có đâu toàn khỉ giết rồi người ta cấp đông thôi, ai mua khỉ sống bao giờ, vừa vận chuyển khó mà lại hao hàng (giảm trọng lượng). Anh cứ yên tâm, lấy thì em bảo em em nó lựa cho hàng chọn lọc, ngon mà tươi ăn thịt cũng được chứ không riêng gì nấu cao”.
Kỳ 2: Thâm nhập “lò luyện” cao hổ cốt
Văn Hoàng