BVR&MT – Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp Hội Nông dân TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động giúp hội viên thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày.
Khi Hội Nông dân vào cuộc
Hội Nông dân huyện Thanh Trì là đơn vị tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 2 hội chợ với gần 100 gian hàng, tạo điều kiện cho các DN giới thiệu và bán sản phẩm đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với siêu thị Big C Thăng Long, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Sở Công Thương tổ chức các đợt bán hàng lưu động phục vụ người dân. Từ đó góp phần trợ giá kích cầu hàng tiêu dùng, khuyến khích hội viên nông dân dùng hàng Việt. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Nguyễn Sỹ Thành chia sẻ: “Nhằm kích cầu tiêu dùng trong Nhân dân, Hội đã tư vấn cho các DN thực hiện các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo”.
Hiệu quả nhất phải kể đến chương trình hỗ trợ nông dân tín chấp mua phân bón trả chậm của Hội Nông dân TP thực hiện trong nhiều năm qua. Theo đó, từ năm 2007 đến nay, Hội đã chủ động liên hệ với các DN cung ứng vật tư nông nghiệp như Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cung ứng trên 66.000 tấn theo phương thức trả chậm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp với các DN triển khai chương trình đưa sản phẩm hàng Việt về nông thôn với các sản phẩm đồ gia dụng, thiết bị nhà bếp, máy lọc nước. Các mặt hàng do các DN cung cấp đều là hàng Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cam kết về chất lượng, thực hiện tốt chế độ bảo hành sau bán hàng với từng loại sản phẩm cụ thể. Quá trình triển khai được các cấp hội giám sát chặt chẽ, do vậy, chương trình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo được uy tín và tăng sức tiêu thụ hàng Việt ở khu vực nông thôn.
Chú trọng công tác tuyên truyền
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân TP đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các DN tổ chức 2 hội nghị tập huấn tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng hàng Việt cho hơn 3.000 cán bộ, hội viên nông dân tại các huyện. Đồng thời, tuyên truyền thực hiện cuộc vận động trên bản tin công tác hội, tuyên dương các mô hình làm tốt công tác vận động nông dân dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội xây dựng các mô hình điểm sử dụng các sản phẩm, vật tư là hàng Việt như trình diễn phân bón trên lúa, dùng chế phẩm vi sinh trong xử lý phế thải chăn nuôi lợn, gà…
Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân TP thường xuyên lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội nội dung khuyến khích hội viên nông dân ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra thực hiện cuộc vận động ở cơ sở, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Lê Ngọc Thắng cho biết, năm 2017, Hội đã hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu. Đến nay, đã có 8 sản phẩm có nhãn hiệu tập thể do Hội làm chủ sở hữu. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cuộc vận động, Hội Nông dân gặp không ít khó khăn như tập quán sản xuất của nông dân, nhận thức về thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, sản xuất tự phát, tràn lan không có kế hoạch. Theo ông Thắng, để hàng Việt giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, các DN, chính quyền địa phương cần coi trọng việc tôn vinh, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, qua đó giới thiệu, cung ứng hàng Việt uy tín, chất lượng đến với người tiêu dùng.