Kết nối doanh nghiệp khôi phục kinh doanh trong và sau dịch Covid-19

BVR&MT – Giải pháp để khôi phục kinh doanh trong và sau dịch Covid-19. Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra thảo luận tại diễn đàn “Tái cấu trúc cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19” diễn ra chiều 23/7, tại Hà Nội.

Toàn cảnh diễn đàn “Tái cấu trúc cạnh tranh và kinh doanh trước thách thức khủng hoảng Covid-19”.

Diễn đàn tập trung nghiên cứu các mô hình cạnh tranh và kinh doanh trước những thách thức khủng hoảng Covid-19 đối với các hiệp hội, doanh nghiệp; chia sẻ những ý kiến từ phía chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn sau dịch Covid -19; thảo luận về tác động, thách thức và những vấn đề mà Covid-19 tác động đến Việt Nam và định hướng cho các doanh nghiệp để thoát khỏi khung hoảng và đưa ra các biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng, năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác cá nhân, đơn vị trên diện rộng.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp để biến nguy thành an, biến thách thức thành cơ hội mới. Qua đó, doanh nghiệp cũng nêu ra ý kiến cần phải tính đến các phương án, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Nhìn nhận lại cách thức kinh doanh, gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ… theo dự báo năm 2021 kinh tế khó có thể phục hồi, không những vậy còn rất khó khăn. 90% người dân giảm thu nhập, doanh số của các công ty, doanh nghiệp giảm mạnh.

Có thể nhận thấy, trong đợt dịch, phản ứng của chính phủ là nhanh nhạy, khống chế được dịch, mở cửa trở lại, điều kiện kinh doanh trong nước hoạt động bình thường. Doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn cố giữ nhân công, đây được coi là việc làm đầy nhân văn của các doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, không chỉ riêng Việt Nam mà các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Italia, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc…. phải đối mặt và hứng chịu trực tiếp sự bùng nổ của đại dịch COVID diễn ra trên diện rộng, với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường khiến cho các tổ chức thế giới luôn phải cập nhật, thay đổi dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cũng theo Ông Cấn Văn Lực Chuyên gia kinh tế chỉ ra một vài xu hướng đầu tư, kinh doanh trong làn sóng chuyển dịch kinh tế mới.” Thứ nhất, xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn, các nhà đầu tư đa dạng hóa, quan tâm nhiều hơn đến tài sản trú ẩn an toàn. Hai, xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự một cách quyết liệt, đối lập với ngành hàng tuyển dụng nhiều nhân công như hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, thương mại điện tử, công nghệ thông tin thì ngành hàng không, bán lẻ, sản xuất công nghiệp, du lịch, nhà hàng lại buộc phải sa thải nhiều người lao động. Ba là, dịch Covid – 19 là động lực thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Trong nguy có cơ, doanh nghiệp nên nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ cơ nhiều lợi thế hơn so với đối thủ”.

Quỳnh Anh – Văn Trì