Keo rớt giá, người dân trồng rừng loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng

BVR&MT – Thời gian gần đây nhiều nông dân trồng rừng tại Nghệ An đang loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn do giá keo giảm nặng so với các năm trước.

Những ngày này đi dọc các xã Yên Hợp, Châu Quang, Châu Cường, Đồng Hợp …(Quỳ Hợp) thấy hai bên vệ đường là ngổn ngang những bãi gỗ keo lai đã được người dân bóc tách vỏ chờ tiêu thụ.

Keo nguyên liệu năm 2017 giảm giá nhiều so với năm 2016.

Gia đình ông Đặng Đình Nhật ở xóm Cồng, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp có 5ha keo, dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng do trận bão vừa qua đã phải bán non vì gãy đổ nhiều. Tuy nhiên việc bán keo non cũng không dễ dàng khi nhiều nhà máy đều từ chối và giá tụt dốc quá nhiều.

Chia sẻ của ông Đặng Đình Nhật: “Năm vừa rồi bão nhiều gây thiệt hại lớn cho người dân. Bên cạnh đó, giá keo xuống thấp nên thu nhập của chúng tôi rất kém”.

Thực trạng là vậy, nhưng để chuyển đổi cây keo lai sang cây trồng khác cũng rất khó khăn. Bởi hầu hết cây keo chủ yếu được trồng trên đất đồi trọc cằn cỗi, đối với loại đất này chỉ thay thế trồng sắn cao sản, tuy nhiên, trồng sắn sẽ khó bán bởi các nhà máy đã có các vùng nguyên liệu. Một số diện tích sau khi trồng keo thì người dân đã chủ động chuyển đổi sang trồng cao su và mía nhưng còn rất ít. Còn đối với huyện thì cũng chưa tìm ra hướng để chuyển đổi thay thế cây keo lai bằng cây khác có hiệu quả. Mà chỉ có đề xuất là Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi MDF Nghĩa Đàn sau khi xây dựng xong cần phải ký kết với vùng nguyên liệu để bao tiêu sản phẩm cho bà con, để người trồng keo không phải lo đầu ra.

Cũng nằm trong diện lo lắng, gia đình anh Trương Văn Danh ở xóm Bục, xã Đồng văn, huyện Tân Kỳ là một trong số những hộ dân đã chuyên làm nghề trồng keo từ nhiều năm nay. Hiện nay gia đình anh đang có 2ha keo hơn 4 năm tuổi. Khi chưa rớt giá, mỗi tấn keo có giá 1,25 triệu đồng nhưng thời điểm này mỗi tấn chỉ bán được 950.000 đồng.

“Thời điểm này mặc dù keo đang rớt giá nhưng gia đình vẫn phải thu hoạch vì để lâu keo sẽ hỏng. Sau thu hoạch gia đình cũng chưa biết tìm cây gì khác để thay thế”, anh Trương Văn Danh chia sẻ.

Theo thị trường, giá keo năm nay ở nhiều nơi đã giảm hơn 10 giá so với năm 2016. Nguyên nhân được nhiều doanh nghiệp thu mua keo làm nguyên liệu lý giải: Việc giá keo hiện nay xuống thấp cho là do nước ngoài giảm việc thu mua nguyên liệu và giảm do cơ chế thị trường. Giá xuất khẩu năm 2017 đã xuống đến mức đáy so với mặt bằng chung của thế giới. Cùng với đó, rất ít doanh nghiệp mặn mà với việc thu mua keo non, gây thiệt thòi lớn cho người trồng keo nguyên liệu.

Keo rớt giá khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trồng keo ồ ạt không theo định hướng và quy hoạch gắn với giao thông, có nhiều vị trí trồng keo ở sâu trong thung lũng không có đường vào. Chưa kể là do thiếu kỹ thuật, thiếu vốn, người trồng phó mặc cho trời nên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. 

Ông Nguyễn Nghĩa Huy – Giám đốc Công ty chế biến lâm sản Hoàng Huy cho biết: “Là doanh nghiệp đầu tư, chế biến lâm sản trên địa bàn nên trước cảnh rớt giá nguyên liệu chúng tôi cảm thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Nhất là trong cơn bão số 2 xảy ra trên địa bàn tỉnh khiến nhiều diện tích keo non bị gãy đổ. Các công ty ngoại tỉnh không thu mua keo non nên công ty cũng đã cố gắng thu mua toàn bộ nguyên liệu bị thiên tai gây ra cho bà con”.

Keo gãy đổ, rớt giá là mối lo chung của rất nhiêu hộ dân sống nương tựa vào rừng hiện nay. Cùng với đó, khó khăn lớn nhất của người trồng keo nằm ở khâu tiêu thụ, bởi hiện nay keo được thu mua chủ yếu từ doanh nghiệp chế biến gỗ ngoài tỉnh. Trước thực tế phát triển nhanh về diện tích cây keo, người dân cũng cần phải tính toán kỹ cho bài toán đầu ra để loài cây dễ trồng này trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng núi.

Đình Nguyên