“Kéo không méo” – Thông điệp của sự kiện “Tết Mông xuống phố 2018”

BVR&MT – Ngày 7/1/2018, tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã diễn ra sự kiện “Tết Mông xuống phố 2018” do nhóm Action for Hmong development (Hành động cho sự phát triển của người H’Mông) tổ chức nhằm tái hiện toàn bộ phần hội của Tết người Mông và tạo cơ hội cho những người trẻ tìm hiểu về văn hóa dân tộc.

Toàn cảnh sự kiện Tết Mông xuống phố tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Như nhiều tộc người khác, mỗi năm người Mông đều tổ chức ăn Tết gồm cả phần lễ với thần linh thổ địa, phần hội vui chơi tìm hiểu nhau, học hỏi nhau vào cuối năm. Là một tộc người canh tác nông nghiệp, Tết của người Mông luôn được tổ chức vào cuối mỗi mùa thu hoạch, do đó Tết của người Mông ở mỗi vùng địa lý khác nhau sẽ diễn ra vào những thời điểm khác nhau tùy vào vụ mùa ở vùng đó và thường không trùng với lịch Tết dương hay Tết Nguyên Đán.

Như nhiều tộc người khác, mỗi năm người Mông đều tổ chức ăn Tết gồm cả hai phần: phần lễ với thần linh thổ địa (làm ở nhà), phần hội để mọi người cùng vui chơi, tìm hiểu, học hỏi nhau vào cuối năm. Sự kiện “Tết Mông xuống phố 2018” sẽ tập trung giới thiệu phần hội – dịp để những người dân giao lưu với nhau qua các trò chơi ném pao, đánh yến, đánh cù… và cùng ngân lên những bài ca dân gian.

Các bạn trẻ được tham gia những trò chơi dân gian của dân tộc Mông.

Đồng thời, Tết cũng là dịp để con cháu người Mông tìm hiểu phong tục tập quán của dòng họ. Đặc biệt trong dịp Tết, người Mông hay tổ chức đám cưới, đám hỏi cho những đôi trai gái đến tuổi cập kê. Một trong những thực hành hôn nhân được nhiều người để ý nhất là “haib puj” – kéo vợ hay còn gọi được là cướp vợ.

Theo quan điểm của truyện cổ tích, người Mông chấp nhận ba hình thức hôn nhân, thứ nhất là: tình yêu đôi lứa – đôi trai gái chủ động tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân thông qua thủ tục kéo vợ, hoặc đại diện nhà trai đến ngỏ lời thay chàng trai với nhà gái; Hình thức thứ hai là được bố mẹ sắp đặt – bố mẹ là người chủ động sắp đặt hôn nhân của con cái thông qua hình thức đặt cưới; Cuối cùng là hình thức “haib puj” – cho phép những chàng trai đặc biệt không có ai lấy, không có bố mẹ sắp xếp hôn sự được kéo những cô gái đang tự do trong các mối quan hệ (không có chồng, không vướng vào cuộc hôn nhân dang dở), nếu sau 3 ngày tìm hiểu cô gái được kéo có quyền từ chối hoặc đồng ý lấy chàng trai.

Ngày nay, hình thức “haib puj” đang gây ra sự hiểu lầm trong cộng đồng người Mông cũng như những cộng đồng ngoài bởi những hành động có phần bạo lực của nó.

Sự kiện “Tết Mông xuống phố 2018” tại Đại học Văn Hóa sẽ tái hiện toàn bộ phần hội của Tết người Mông cũng như truyền đi thông điệp “Kéo không méo” nhằm tạo cơ hội cho những người trẻ có quan niệm và cách nhìn đúng đắn về văn hóa của dân tộc mình.

Thạch Thảo