KBTTN Việt Nam đang hứng chịu những “đợt sóng lớn” từ ngành du lịch

BVR&MT – Sáng ngày 04/10 tại Hà Nội, Trung tâm Con người và thiên nhiên cùng Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đã phối hợp tổ chức Tọa đàm: “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng du lịch ở Việt Nam” với nhiều nội dung cấp thiết liên quan đến việc bảo tồn và phát triển các Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) của Việt Nam.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam, Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, GS-TS. Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam, TS. Lê Hoàng Lan, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng, TS. Phạm Hồng Long, chuyên gia về du lịch cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí.

Liên quan đến nội dung Tọa đàm, thời gian qua, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng du lịch đã được triển khai và đi vào vận hành tại nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng như ở Phú Quốc, Hoàng Liên, Bà Nà, Cát Bà… Điều này đã dấy lên sự lo ngại của công chúng về sự đánh đổi giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế.

Tiếp tục xu thế đó, nhiều dự án khác dưới hình thức phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng… đã được đề xuất triển khai ở trong và xung quanh Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, Vườn Quốc Gia Bạch Mã, Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng… Từ các dự án này, cộng đồng và tổ chức xã hội tiếp tục bày tỏ sự lo lắng liệu các lợi ích phát triển có từng bước đẩy các khu bảo tồn – với vai trò là công sản quốc gia – vào tình thế bị phá vỡ, hoặc thậm chí bị hủy hoại tính nguyên vẹn.

Trình bày tham luận về vấn đề “Du lịch trong khu bảo tồn”, TS. Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXHNV Hà Nội cho biết, hiện tại cả nước có khoảng 2,265 triệu ha rừng đặc dụng trong đó có 31 Vườn Quốc gia, 68 KBTTN, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc phát triển DLST tại các khu rừng đặc dụng này chưa hề cân xứng với tiềm năng, nguồn thu còn hết sức hạn chế, một số lại phát triển quá “nóng” gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Nguyên nhân được cho là do trình độ nhận thức chưa cao về giá trị sinh thái môi trường, thiếu đội ngũ quản lý nghiệp vụ, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch Rừng nhấn mạnh: “Việc phân cấp quản lý các Khu bảo tồn chưa hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất cập trong công tác quản lý về du lịch sinh thái. Điều này diễn ra phổ biến tại các tỉnh, thành trong cả nước khi xảy ra sự “chồng chéo” giữa hệ thống kiểm lâm cấp tỉnh và kiểm lâm của Vườn quốc gia, Khu bảo tồn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm”.

Việc bảo tồn đa dạng sinh học mâu thuẫn với phát triển du lịch sinh thái đang là vấn đề nóng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Phân tích về khía cạnh luật và chính sách, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn về việc hiểu sai các thuật ngữ “rừng đặc dụng” và “khu bảo tồn” của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Theo ông Trí, rừng chỉ là một  phần của hệ sinh thái chứ không phải là toàn bộ. Đây là nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong “cách đặt tên” kéo theo hệ quả hạ thấp giá trị đa dạng sinh học, gây khó khăn cho công tác bồi hoàn Đa dạng sinh học của các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn của Việt Nam. Trong khi đó tại các quốc gia phát triển, thuật ngữ “National Park – Công viên Quốc gia” được sử dụng phổ biến và thể hiện được quy mô, giá trị và thu hút lượng lớn khách du lịch, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

“Muốn lập được đề án phát triển Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tại các Khu bảo tồn thiên nhiên một cách thiết thực, hiệu quả cần xác định được 2 yếu tố then chốt: Thứ nhất là đánh giá được giá trị đa dạng sinh thái và thứ hai là đánh giá được giá trị kinh tế của khu vực đó”, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng đưa ra quan điểm.

Thực tiễn cho thấy việc các KBTTN đang hứng chịu những “đợt sóng lớn” từ du lịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên mà Việt Nam tham gia. Các lựa chọn phát triển cho DLST tại các KBTTN trong thời gian tới sẽ quyết định đến quyền thụ hưởng của các thế hệ trong tương lai cũng như bảo tồn thiên nhiên hợp lý và bền vững hơn. Trong bối cảnh Luật về Bảo vệ và Phát triển Rừng, Luật Thủy sản đang được sửa đổi và sắp tới là Luật Đa dạng Sinh học, việc trao đổi và nhìn nhận lại các vấn đề nêu trên là vô cùng cần thiết nhằm đóng góp cho việc hoàn thiện luật pháp.

Thạch Thảo – Hậu Thạch