Huyện Vĩnh Cửu hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập và đạt chuẩn nông thôn mới

BVR&MT –  Huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai là huyện gặp nhiều khó khăn trong kinh tế vì ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng bằng tinh thần vượt khó của nhân dân và chính quyền tỉnh Đồng Nai nói chung và huyện Vĩnh Cửu nói riêng, đã từng bước xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Huyện Vĩnh Cửu nằm ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp huyện Đồng Phú (Bình Phước), phía Tây giáp huyện Phú Giáo, huyện Bắc Tân Uyên và Thị xã Tân Uyên (Bình Dương), phía Đông là rừng quốc gia Vườn quốc gia Cát Tiên và hồ Trị An, phía Nam giáp huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa. Diện tích 1092 km2 và dân số là 110.855 người (năm 2007).

Huyện Vĩnh Cửu được thành lập vào năm 1948 sau khi được Ủy Ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ quyết định tách quận Tân Châu tỉnh Biên Hòa thành hai đơn vị là thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Huyện có diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao với 65.921 ha có trữ lượng gỗ lớn. Có Hồ Trị An 28.500 ha (trong địa phận Vĩnh Cửu là 16.500 ha) là nguồn nước phong phú phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Mô hình trông cây nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP đang phát triển mạnh ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: Internet

Tháng 4/2018 huyện Vĩnh Cửu hướng đến tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập, đây là một chặng đường dài mà nhân dân và chính quyền huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng được trong suốt 70 năm qua, càng vui mừng hơn khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Vĩnh Cửu là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được danh hiệu là huyện nông thôn mới phải thực hiện được 3 điều kiện: Thứ nhất, phải đăng kí thị xã đạt chuẩn nông thôn mới và được UBND Tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện, thứ 2, 100% xã phải đạt chuẩn nông thôn mới, thứ 3, không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đang ngày càng phát triển. Ảnh: Internet

Theo đó, tháng 6-2017, toàn bộ 11/11 xã của huyện Vĩnh Cửu đều được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo đúng định hướng quy mô hàng hóa, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hécta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt trên 122 triệu đồng/hécta, tăng trên 35% so với năm 2011.

Đặc biệt, một số loại cây trồng cho thu nhập từ 800 triệu – 1 tỷ đồng/hécta; thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh theo từng năm. Cụ thể, năm 2016, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 50 triệu đồng/năm thì năm 2017 tăng lên đạt trên 56 triệu đồng/năm, tăng hơn 2,7 lần so với năm 2011. Giai đoạn 2011 – 2017, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới gần 21,6 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn xã hội hóa chiếm tỷ trọng 90,5%. Đặc biệt là về đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường nông thôn sạch đẹp và mức thu nhập của người dân nông thôn đạt mức cao, không nợ xây dựng cơ bản, huyện cũng có nhiều tiềm năng để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Hữu Vũ