Huyền tích Nậm Hạt

BVR&MT – Đất này không chỉ có những cánh đồng lúa mơn mởn xanh. Ẩn sau những mái nhà sàn và rặng núi Phá Xăng là huyền tích về việc lập bản, dựng mường. Mùa lễ hội đã qua, bản làng phía hữu ngạn dòng Nậm Hạt bước vào mùa làm lụng mới.

Những người phụ nữ xã Châu Tiến (Quỳ Châu) đi thăm ruộng trở về.

Những ngày này đất Phủ Quỳ đã trở lại nét trầm mặc như vốn có. Mùa lễ hội đã qua, miền đất mang một gam màu khác, màu mạ non trên những thửa ruộng rộng rãi. Đâu đó thấp thoáng bóng người đi thăm đồng và dọn cỏ lúa. Dáng phụ nữ lom khom điểm xuyết cho bức tranh ruộng đồng bớt phần đơn điệu.

Cảm tưởng thật khoan khoái khi chạy qua điểm du lịch hang Bua, xã Châu Tiến men theo sông Nậm Hạt vào xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Nậm Hạt là chi lưu của sông Hiếu tụ hội với sông Nậm Tôn tại xã Châu Tiến tạo thành mảnh đất Chiêng Ngam.

Chiêng Ngam là một trong số rất nhiều mường người Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Đất này có 2 lễ hội. Lễ hội hang Bua ở xã Châu Tiến diễn ra vào cuối tháng Giêng hàng năm.

Một lễ hội mang quy mô nhỏ hơn diễn ra hai năm một lần dưới ngọn núi phía hữu ngạn dòng Nậm Hạt – núi Phá Xăng ở bản Xăng 2, xã Châu Bính. Lễ hội diễn ra sau lễ hội hang Bua, vào tháng Hai âm lịch. Lễ hội không chỉ của người dân bản Xăng 2, mà cả 5 bản phía hữu ngạn ở xã Châu Bính đều tham gia. Người dân 2 xã Châu Tiến, Châu Thuận cũng đến chung vui.

“Quy mô nhỏ, người tham gia cũng chẳng nhiều bằng các hội lớn, nhưng chẳng vì thế mà niềm vui nhỏ đâu” – anh Lang Văn Thắng, Trưởng bản Xăng 2 có lần rỉ tai tôi nói vậy. “Nhưng mà muốn xem hội phải chờ đến năm sau. Năm ngoái bản đã mở hội rồi” – anh cán bộ bản không quên nhắc.

Một hoạt động văn hóa trong Lễ hội Thăm Ngụn – Núi Phá Xăng năm 2016 ở Châu Bính (Quỳ Châu, Nghệ An).

Dẫu vậy thì tôi vẫn quyết định về bản Xăng 2 vào một ngày nắng cuối cùng trước khi có đợt gió mùa Đông Bắc tràn đến. Vượt qua chiếc cầu máng nối hai bờ sông Nậm Hạt, qua một cánh đồng lúa nữa là đến được quần cư đông đúc nhất phía hữu ngạn. Từng dãy nhà sàn cổ kính ngay hàng thẳng lối dưới chân núi nom thật nên thơ. Địa thế dựa lưng vào núi, mặt hướng ra sông khiến quần cư nơi sơn cước này có vẻ gần gũi với triết lý cư ngụ của người đồng bằng.

Xen lẫn với những ngôi nhà sàn cất dựng theo kiến trúc cổ là những ngôi nhà xây cấp bốn. Tuy vậy phần lớn nhà cửa trong bản vẫn giữ được kiến trúc nhà sàn với một mảnh vườn liền kề. Trong vườn, ven bờ rào có hàng cau, giàu trầu, cây ăn quả và một vài thức rau vẫn dùng trong bữa cơm hàng ngày của cư dân nơi đây.

Đường vào bản Phá Xăng 2, xã Châu Bính (Quỳ Châu). Ảnh: Hữu Vi

Vẫn anh trưởng bản lém lỉnh Lang Văn Thắng mở cửa căn nhà khang trang như biệt thự đón tôi: “Mùa lễ hội qua rồi. Giờ tập trung làm ăn thôi.” Anh chàng 35 tuổi có thâm niên 10 năm liên tục làm trưởng bản chia sẻ: Là người miền núi nhưng tuyệt đại đa số dân bản đều làm ruộng. Bản có 112 hộ dân, hơn 500 miệng ăn, mỗi người có được 300m2 ruộng nước. Biết áp dụng kỹ thuật sản xuất và giống mới thì chẳng phải lo chuyện thiếu gạo ăn. Có gạo, no bụng, người ta mới nghĩ được chuyện làm giàu. Trong bản đã có trên 30 hộ khá. Dù chưa xuất hiện hộ giàu nhưng có thể nó đó cũng là một điều đáng khích lệ đối với một bản vùng cao.

Là cộng đồng khá năng động, nguồn thu chính của bà con lại không phải từ lúa gạo. Nhiều hộ khá lên nhớ kinh doanh hang tạp hóa và các mặt hàng có nguồn gốc bản địa như: thổ cẩm, rau củ quả trồng trong vườn nhà, ngoài bãi sông, thịt lợn chua… Mùa lễ hội, lễ tết, trong khi người ta thỏa sức vui chơi thì là lại là dịp làm ăn của những hộ kinh doanh trong bản. Cuộc sống nơi đây phần nhiều đã theo xu thế thương mại. Âu cũng là một điều tất yếu của sự phát triển.Điều đáng mừng là nơi đây vẫn gìn giữ tốt những giá trị truyền thống bản địa.

Bản có một câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Thái với 38 thành viên. Mỗi tháng một lần vào ngày 15 dương lịch, các thành viên ngồi lại với nhau cũng hát xuối, nhuôn là những làn điệu dân ca Thái. Người thì tập viết chữ Thái cho khỏi lãng quên. Các cụ ông thổi sáo, cụ bà hát nhuôn là một hình ảnh đẹp trong những đêm vắng nơi bản nhỏ.

Bà Sầm Thị Khiêm là một thành viên tích cực của câu lạc bộ. Không có giọng hát nuột nà như các nghệ nhân dân gian, nhưng bà lại là một kho chuyện về sự tích bản mường. Trong căn nhà sàn với một khu vườn rộng, bà lão vẫn thường kể cho những khách xa ghé thăm nghe chuyện về dòng họ Lang đến lập bản từ 200 năm trước. Dòng họ này hiện chiếm gần 80% dân số cả bản. Xưa kia họ đến từ miền Tây tỉnh Thanh Hóa. Từ đây, dòng họ này còn tỏa đến nhiều địa bàn trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ.

Về dòng họ Lang còn có những câu chuyện nửa hư nửa thực về Nàng Đòn. Đó là người con gái đẹp có nước da trắng như trứng bóc, lại nết na, hiền dịu. Con trai long vương là rồng ở sông Nâm Hạt biết tiếng liền hóa thành chàng trai tuấn tú lên “tìm hiểu”. Sau này người ta phải đem Nàng Đòn lên núi trốn mới khỏi sự truy tìm của rồng. Thế rồi Nàng Đòn hóa đá – đó một thạch nhũ tuyệt đẹp ở lưng chừng núi Phá Xăng. Trong lễ hội Thăm Có Ngụn, trai gái bản vẫn thường leo núi Phá Xăng để ngắm dung nhan tuyệt mỹ của cô gái bạc mệnh đã hóa đá.

Cánh đồng lúa nước bản Xăng 2. Ảnh: Hữu Vi

Anh Lang Văn Thắng cho biết: Việc gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa cũng được những bạn trẻ trong bản hưởng ứng nhất là với di sản chữ Thái. Trong đó phải kể đến hai người là Lang Tuấn Công và Lang Thị Kiều Nga. Hai bạn trẻ này hiện đang trở thành nhân tố tích cực trong việc phổ biến chữ Thái trong cộng đồng.

Sau mùa lễ hội là mùa làm cỏ lúa. Đó là nhịp sống mùa Xuân ven dòng Nậm Hạt. Anh trưởng bản Lang Văn Thắng bảo: Cuộc sống giờ đây chưa phải là đã đủ đầy, nhưng có thể nói là bản làng yên vui, ít tệ nạn xã hội, người dân chí thú làm ăn. Chuyện làm giàu thì phải cần đến sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm của mỗi người và cần một vận hội.

Trên cánh đồng ven sông phía hữu ngạn dòng Nậm Hạt, vẫn thấp thoáng bóng người xuống đồng. Bà con tranh thủ làm cỏ ruộng để tránh cái rét sắp sửa tràn về. Đã qua mùa hội hè, bàn làng bước vào mùa làm lụng mới.