BVR&MT – Ẩm thực Huế có đến 1.700 trong tổng số 3.000 món ăn Việt Nam được ghi trong Hội điển của nhà Nguyễn với nhiều hình thức đa dạng từ cung đình đến dân gian và nằm trong mối gắn kết với không gian Cố đô.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO bởi đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội, đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ẩm thực Huế có đến 1.700 trong tổng số 3.000 món ăn ở Việt Nam được ghi trong Hội điển của nhà Nguyễn; chia làm 3 loại: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay.
Các món ăn được chế biến hấp dẫn, khéo léo, coi trọng phần chất hơn lượng, cùng với nghệ thuật bày biện đẹp mắt và nghệ thuật thưởng thức tinh tế.
Đối với ngành du lịch, ẩm thực là loại hình du lịch có sức hút rất lớn đối với du khách hiện nay. Trên thực tế, nhiều du khách chọn Huế là điểm đến du lịch xuất phát từ động cơ khám phá ẩm thực Huế.
Ngoài trải nghiệm cơm cung đình, tiệc cung đình, các món chay, du khách còn muốn khám phá ẩm thực truyền thống, như bún bò Huế, cơm hến, bánh canh, nem lụi, bánh khoái, các loại bánh Huế, và các loại chè do người dân Huế trực tiếp chế biến để có những trải nghiệm đích thực về các sản phẩm “nguyên bản” của Huế.
Người Huế sành điệu trong ăn uống, không chỉ trong khâu chọn nguyên vật liệu mà còn cầu kỳ từ việc nêm nấu chế biến cho đến cách bày biện trang trí, cứ như mỗi món ăn được nâng lên hàng một tác phẩm nghệ thuật.
Có thể nói, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả… thính giác. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời, người Huế thích ăn bằng mắt. Nhưng dù huy động toàn bộ giác quan cho việc hấp thụ dinh dưỡng, người Huế cũng chỉ cốt “ăn lấy hương lấy hoa”, như họ thường tự nói về mình.
Sự thanh thản ấy có thể nhận biết trên những chiếc bánh bèo nhỏ xíu như chực tan ngay đầu lưỡi, những lá bánh nậm mỏng tang cánh chuồn, tô bánh canh Nam Phổ bày biện như bức tranh nhiều màu sắc, chén chè bắp Cồn Hến mát lịm mà hương thơm theo vào tận giấc mơ…
Những món ăn Huế dù là cao lương mỹ vị hay dân dã đơn sơ, đều làm cho ai đó một lần nếm qua phải xuýt xoa khen ngon đến mức “ngậm mà nghe” để rồi lưu luyến mãi cái hương vị khó quên ấy. Dường như qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, món ăn đã được thổi vào cái hồn và chút gì đó tâm linh của Huế.
Huế đặc biệt còn lưu giữ trên 1000 món ăn nấu theo lối Huế, có cả những món ăn ngự thiện của các vua triều Nguyễn. Bảng thực đơn ngự thiện có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ. Các món ăn dân dã rất phổ biến trong quần chúng với bảng thực đơn phong phú hàng trăm món được các bà nội trợ Huế chế biến khéo léo, thông minh với kỹ thuật nấu nướng giỏi giang, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn, coi trọng phần chất hơn lượng; nghệ thuật bày biện các món ăn rất đẹp mắt, nghệ thuật thưởng thức tinh tế.
Ngoài ra, nếu ai đã từng thưởng thức một bữa cơm chay Huế (các món ăn được chế biến từ các loại thực vật), chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hương vị tinh khiết tuyệt vời của những món ăn Huế.
Năm 2023, trang web Taste Atlas chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã công bố danh sách “Những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 – Best Food Cities in the World” nhằm vinh danh nền ẩm thực địa phương của các điểm đến. Thành phố Huế vinh dự được đánh giá xếp hạng thứ 28 trong 100 các thành phố có các món ăn ngon trên thế giới.
Ẩm thực Huế được các chuyên gia và thực khách quốc tế chấm 4,56/5 điểm, trong đó các món ăn nổi tiếng nhất được nhắc đến đầu tiên gồm bún bò, bánh bột lọc, cơm hến, nem lụi, chè, bánh nậm, bánh phu thê, tôm chua.
Tại hội thảo khoa học “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO(UCNN) và khả năng chuyển hoá các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế” diễn ra tháng 9/2023, nhiều chuyên gia trong nước và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng ẩm thực là một hướng tiếp cận khả thi, phù hợp cho địa phương để xây dựng thành phố sáng tạo khi gia nhập vào mạng lưới UCCN.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chia sẻ nếu lựa chọn lĩnh vực ẩm thực, quá trình chuẩn bị dữ liệu cho hồ sơ trở thành thành viên của mạng lưới UCCN vào năm 2025 hoặc 2027, cần phải triển khai có lộ trình bài bản ngay từ bây giờ và nên tham khảo kinh nghiệm của thành phố Jeonju (Hàn Quốc) trong quá trình triển khai.
Hiện nay có một số tiêu chí của hồ sơ ẩm thực thuộc mạng lưới UCCN đang được nhìn nhận là thế mạnh của Huế và cần được phát huy. Đó là “kinh đô ẩm thực của Việt Nam,” định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực khu vực Đông Nam Á; sự đa dạng các món ăn từ cung đình đến dân gian, chay; mối gắn kết giữa ẩm thực và không gian văn hóa Cố đô, nghệ thuật dân gian và trang phục Áo dài.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhằm tôn vinh giá trị ẩm thực Huế, tỉnh đã xây dựng đề án “Kinh đô ẩm thực” với các mục tiêu cụ thể: Hình thành thương hiệu “Huế – Kinh đô ẩm thực” và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với một số món ăn đặc sản Huế.
Nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo để ẩm thực phát triển, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của địa phương. Điều này phù hợp các yêu cầu mà UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên tham gia mạng lưới.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương thông qua việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Tỉnh đã có 65 nhãn hiệu tập thể, 9 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý được cấp; trong đó, phần lớn là các đặc sản ẩm thực và sản phẩm nông nghiệp; từ các nhãn hiệu tập thể: Bún bò Huế, thanh trà Huế, mè xửng Huế, tôm chua Huế, bún Ô Sa, bún Vân Cù, ném Điền Môn, rượu làng Chuồn, mật ong Nam Đông, bưởi cốm Hương Thọ…, cho đến hàng trăm nhãn hiệu cá nhân cho chè Huế, bánh Huế, ẩm thực chay, nhà hàng phong cách Huế…
Nhiều chuyên gia cho rằng việc tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là cơ hội để Huế khẳng định vai trò, vị thế ngày càng lớn hơn trong quá trình hội nhập.
Đây cũng là một cơ hội chiến lược để Huế đổi mới các chính sách theo hướng sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận quốc tế.
Việc xây dựng định hướng chiến lược về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, trong đó có ẩm thực là rất cần thiết và nhiều ý nghĩa, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu “xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế./.