Hơn 70% vật tư nông nghiệp bị kiểm tra đều vi phạm về chất lượng

BVR&MT – Ngày 16/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp đánh giá công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản sáu tháng đầu năm, triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm 2018.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy số phân bón giả, kém chất lượng.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong sáu tháng đầu năm, các đơn vị trực thuộc và địa phương đã đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và đã phát huy hiệu quả do chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất; tăng cường phối hợp thanh tra liên ngành…

Các đơn vị đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 140 cơ sở vật tư nông nghiệp, qua đó phát hiện và xử phạt 102 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, chiếm 72,8%. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 14. 259 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.021 cơ sở vì phạm, chiếm 7,1%.

Về chất lượng, an toàn thực phẩm, các đơn vị đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 21 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở vi phạm, chiếm gần 62%. Các địa phương kiểm tra 25.493 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.379 cơ sở vi phạm.

Về kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã thực hiện kiểm tra 5.356 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; trong đó, 5.270 cơ sở được xếp loại A, B (chiếm 98,3%); tái kiểm 38 cơ sở loại C (chiếm 44,1%), kết quả 19 cơ sở lên hạng A, B, 19 cơ sở vẫn xếp loại C. Kết quả trên cho thấy tỷ lệ các cơ sở xếp loại A, B khá cao, tỷ lệ các cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra đã được cải thiện.

Đã kiểm tra 1.227 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp; trong đó, 1.148 cơ sở được xếp loại A, B (chiếm 93,5%), các cơ sở xếp loại C vẫn chưa được thực hiện tái kiểm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, nhờ sự chỉ đạo và tham gia của toàn hệ thống sáu tháng đầu năm 2018 đã góp phần khống chế tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 250 mẫu thịt, 2.919 mẫu nước tiểu); giảm thiểu lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi (không phát hiện mẫu vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh trong 128 mẫu thịt); giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm chăn nuôi (22,3% mẫu thịt kiểm tra vi phạm chỉ tiêu vi sinh, 6 tháng đầu năm 2017 tỷ lệ là 27,5%).

Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu kháng sinh tăng so với cùng kỳ năm 2017. Có 19/1.123 mẫu vi phạm, chiếm 1,69%, trong khi sáu tháng đầu năm 2017 là 0,58%.

Về kiểm soát tạp chất trong thủy sản, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hai đoàn kiểm tra đột xuất ba cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm, kết quản phát hiện hai cơ sơ vi phạm tại Thanh Hóa.

Thời gian qua, các địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn trên toàn quốc, đảm bảo gia tăng cả ba tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, số điểm bán sản phẩm. Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển 913 chuỗi, 1.407 sản phẩm và 3.162 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Trong số các chuỗi trên, có sự tham gia của khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty…

Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo toàn toàn thực phẩm. Mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn gắn với truy suất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy suất điện tử.

Cùng với đó là tổ chức kiểm tra phân loại, xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản theo Thông tư 45. Phân cấp và hướng dẫn cho cấp huyện/xã tổ chức triển khai Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Các đơn vị tiếp tục chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về an toàn thực phẩm.

“Các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành tăng cường rà soát, loại bỏ các vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam cũng như thanh kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp,” ông Nguyễn Như Tiệp kiến nghị.