Hội nghị ASEM: Việt Nam nêu kiến nghị về quản lý nguồn nước và phát triển bền vững

BVR&MT – Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 25/10, tại Pakse, tỉnh Champasak, Nam Lào đã khai mạc Đối thoại Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 6 về quản lý nguồn nước và phát triển bền vững với chủ đề “Quản lý đồng bộ nguồn nước vì phát triển bền vững”.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng làm Trưởng Đoàn tham dự Đối thoại. Ảnh: Phạm Kiên (P/v TTXVN tại Lào)

Tham dự cuộc đối thoại có 135 đại biểu từ các nước thành viên ASEM, Ủy ban châu Âu, Ủy hội sông Mekong cùng các quan chức chính phủ, các học giả, các nhà nghiên cứu và đại diện các tổ chức, các viện nghiên cứu ở khu vực và quốc tế, các tổ chức  phi chính phủ… Đoàn Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng làm trưởng đoàn.

Phát biểu tại đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, bà Bounkham Vorachith, cho rằng trong thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc nhau, tác động của biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hệ lụy kinh tế xã hội của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống gay gắt, nhất là các thách thức liên quan đến bảo vệ nguồn nước; đặt thế giới trước nhu cầu hết sức cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Chính phủ Lào cam kết thực thi phát triển và quản lý đồng bộ và bền vững nguồn nước tại Lào; đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ ASEM. Thứ trưởng Bounkham hy vọng đối thoại lần này không chỉ là cơ hội tốt để các bên trao đổi thảo luận về những kinh nghiệm quản lý nguồn nước bền vững mà còn tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa hai châu lục trong lĩnh vực nước.

Trong phát biểu tại đối thoại, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Bá Hùng khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và tích cực đóng góp vào các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực về quản lý nguồn nước bền vững. Với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển, Việt Nam đã cùng các nước ven sông Mekong triển khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Mekong, đóng góp vào nỗ lực xây dựng một ASEAN của “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” vì sự phát triển bền vững tự cường.

Việt Nam chia sẻ mong muốn của các nước ven sông Mekong, mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác với Liên minh châu Âu (EU) và các nước nước ven sông Danube thông qua cơ chế đối thoại, các sáng kiến và các dự án hợp tác cụ thể.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng tầm đóng góp của đối thoại vào nỗ lực chung ứng phó với thách thức quản lý nguồn nước, thay mặt đoàn Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã đưa ra 4 kiến nghị: Thứ nhất, hợp tác ASEM cần có hành động chung cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai chương trình nghị sự 2030, thỏa thuận Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21), khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Thứ hai, cần có tư duy mới, cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ, liên ngành về quản lý nguồn nước, lồng ghép quản lý nước vào chiến lược phát triển bền vững của từng quốc gia và các lĩnh vực hợp tác của ASEM. Thứ ba, cần đẩy mạnh hợp tác thiết thực và ý nghĩa giữa các địa phương ven bờ sông Mekong – Danube. Thứ tư, cần tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu, khu vực mạnh mẽ hơn về sự phát triển bền vững.

Trong 2 ngày diễn ra đối thoại, các đại biểu sẽ cùng thảo luận về vấn đề quản lý nguồn nước hiện nay ở cấp quốc gia và khu vực tại châu Âu và châu Á; thảo luận về các tác động và giải pháp để phát triển ngành nước giữa các quốc gia ASEM và các bên liên quan; thúc đẩy hợp tác về nước giữa các quốc gia châu Âu và châu Á nhằm tăng cường nhận thức, từ đó xác định các chính sách cần thiết ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu để hỗ trợ quản lý nguồn nước vì tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.

Những trao đổi tại đối thoại lần này và nhiều sáng kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 sắp tới ở Naypyitaw (Myanmar) và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels (Bỉ) vào năm 2018.

Tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulan Bator (Mông Cổ) vào tháng 7/2016, các nhà lãnh đạo hai châu lục đã đặt ưu tiên cho hợp tác quản lý nguồn nước xuyên biên giới và gắn kết giữa các nước với an ninh năng lượng lương thực, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác Mekong – Danube như một điển hình của việc biến các thách thức về an ninh nước, lương thực, năng lượng thành các cơ hội cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.