Hoạt động tiêu dùng ảnh hưởng tới đa dạng sinh học cách xa ngàn dặm

BVR&MT- Hoạt động thương mại toàn cầu đang khiến việc mua sắm trở lên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng của con người cũng dẫn đến nhiều mối nguy cho đa dạng sinh học cách đó cả ngàn dặm. Đó là khẳng định được đưa ra trong nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Thiên nhiên, Sinh thái & Tiến hóa (Nature, Ecology & Evolution).
Hai nhà khoa học Daniel Moran (Đại học Khoa học và Công nghệ, Na Uy) và Keiichiro Kanemoto (Đại học Shinshu, Nhật Bản) đã công bố công trình nghiên cứu về các bản đồ thể hiện tác động của tiêu dùng ở các quốc gia tới các loài nguy cấp ở những khu vực xa xôi khác.
Theo các nhà nghiên cứu: “Các biện pháp bảo tồn không chỉ cần phải tính đến vùng bị ảnh hưởng mà cả nhu cầu tiêu dùng dẫn đến tiêu thụ tài nguyên đó.” Do vậy, bản đồ này rất hữu ích trong việc tìm ra các phương pháp hiệu quả nhất để bảo vệ các khu vực tối thiết, quan trọng cho đa dạng sinh học.
Nhóm nghiên cứu đã xác định 6803 loài bị đe dọa (các loài được liệt trong danh sách dễ bị tổn thương, bị đe dọa hoặc cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ IUCN) và chỉ ra các mặt hàng tiêu dùng nào góp phần gia tăng đe dọa tới những loài này. Sau đó, nhóm nghiên cứu truy xuất nguồn gốc của từng mặt hàng và sử dụng mô hình thương mại toàn cầu để tìm ra những người tiêu dùng cuối cùng ở 187 quốc gia.
Kết quả cho ra bản đồ chỉ rõ những quốc gia nào, những mặt hàng tiêu dùng nào đang đe doạ tới các loài ở những điểm nóng về đa dạng sinh học.
Bản đồ mối liên quan giữa các loài bị đe dọa ở điểm nóng với tiêu thụ ở EU-27. Bản đồ của Moran và Kanemoto, Tạp chí Thiên nhiên, Sinh thái & Tiến hóa (2016).
Chẳng hạn, các bản đồ cho thấy một số mặt hàng tiêu dùng ở Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) gây nguy hại cho các sinh vật biển ở Đông Nam Á, chủ yếu là do đánh bắt cá quá mức, ô nhiễm và nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu tiêu dùng của Mỹ cũng gây sức ép đối với các điểm nóng ở bờ biển Caribe là Costa Rica và Nicaragua; vùng cửa biển Orinoco quanh Trinidad và Tobago. Các tác động từ tiêu dùng ở EU còn lan rộng tới các đảo ở quanh Madagascar: Réunion, Mauritius và Seychelles.
Bản đồ cũng hé lộ những mối liên quan bất ngờ. Ví dụ như ảnh hưởng của tiêu dùng của Mỹ tới phía nam Brazil (vùng cao nguyên nơi nông nghiệp và chăn thả phát triển) hơn so với vùng lưu vực sông Amazon, nơi nhận được nhiều quan tâm hơn. Mỹ cũng có dấu chân đa dạng sinh học cao ở nam Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt là với các loài cá và chim. Trong khi đó, những quốc gia này chưa từng được coi là những điểm nóng đe dọa đa dạng sinh học.
Tiêu dùng của EU cũng làm trầm trọng hơn các mối đe dọa cho các quốc gia Châu Phi như Morocco, Ethiopia, Madagascar và Zimbabwe. Tương tự, tiêu dùng ở Nhật Bản đe dọa đến các điểm nóng đa dạng sinh học ở Đông Nam Á và xung quanh Colombo và nam Sri Lanka, liên quan tới canh tác chè, cao su và các mặt hàng khác phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bản đồ này có thể giúp kết nối các nhà bảo tồn, người tiêu dùng, các công ty và chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động bảo tồn. Chẳng hạn như các công ty sản xuất có thể dùng thông tin mà các bản đồ thể hiện này để lựa chọn đầu vào và cố gắng giảm ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Các nhà bảo tồn cũng có thể sử dụng bản đồ này để xác định những người tiêu dùng trung gian và cuối cùng mua những mặt hàng đang duy trì sự tồn tại cho các ngành công nghiệp gây nguy hại đến các loài nguy cấp.
Điểm mới của bản đồ này là đã tìm ra mối liên hệ giữa những vấn đề về môi trường và các hoạt động kinh tế. “Khi tìm được mối liên hệ giữa chuỗi cung ứng và tác động của chuỗi tới môi trường thì nhiều đối tượng trong chuỗi cung ứng, không chỉ riêng nhà sản xuất, có thể tham gia “làm sạch” chuỗi cung ứng.” – Ông Moran khẳng định.
Bản đồ thể hiện các điểm nóng bị ảnh hưởng bởi tiêu thụ ở Hoa Kỳ. Bản đồ của Moran và Kanemoto, Tạp chí Thiên nhiên, Sinh thái & Tiến hóa (2016).
Bản đồ thể hiện các điểm nóng bị ảnh hưởng bởi tiêu thụ ở Nhật Bản. Bản đồ của Moran và Kanemoto, Tạp chí Thiên nhiên, Sinh thái & Tiến hóa (2016).
Bản đồ thể hiện các điểm nóng bị ảnh hưởng bởi tiêu thụ ở Trung Quốc. Bản đồ của Moran và Kanemoto, Tạp chí Thiên nhiên, Sinh thái & Tiến hóa (2016).
Hồng Việt (Theo Mongabay)
CHIA SẺ