Hoạt động lấn biển và tác động môi trường sinh thái ven bờ

BVR&MT – Vùng biển ven bờ Việt Nam có 11.000 loài sinh vật cư trú với hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau, trong đó ba vùng có mức đa dạng sinh học cao hơn hẳn là khu vực biển Móng Cái – Đồ Sơn, Hải Vân – Đại Lãnh và Đại Lãnh – Vũng Tàu. Trong tổng số loài được phát hiện, có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 653 loài rong, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm, 14 loài cỏ, 15 loài rắn, 12 loài thú, 5 loài rùa và 43 loài chim nước. Đáng chú ý là có tới 80% lượng thủy sản ở nước ta được khai thác ở vùng biển ven bờ, tuy nhiên, con số này chưa chắc là điều đáng mừng bởi việc gia tăng các hoạt động đánh bắt, đặc biệt là đánh bắt bằng phương pháp hủy diệt có dấu hiệu ngày càng tăng và được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến các vùng biển đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm đa dạng sinh học. Ngoài ra, các vấn đề về ô nhiễm chất thải trên biển, đặc biệt là tình trạng nở rộ các công trình lấn biển phục vụ xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi… cũng là mối đe dọa lớn với môi trường và sinh thái ven bờ.

Gắn liền với lịch sử chinh phục thiên tai, khai khẩn đất đai miền duyên hải từ lâu, song phải sau khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc và nhất là khi thống nhất đất nước, việc lấn biển, khai thác các bãi bồi mới được chú trọng. Theo thống kê, từ năm 1958 đến 1994 đã có 56 công trình quai đê lấn biển với 620km đê, chuyển đổi 56.465 ha thành đất canh tác, tạo lập 29 xã mới, 4 nông trường mới và di dân lập ra 2 huyện mới ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Kim Sơn và Tiền Hải. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về quy luật tự nhiên của quá trình hình thành bãi bồi ở các vùng khác nhau nên 56 công trình áp dụng cùng một mô hình khai thác, lấn biển để trồng lúa, kết quả là phần lớn các công trình khai thác với hiệu quả quá thấp. Một số công trình bị đổ vỡ, số còn lại không phát huy tác dụng như thiết kế, gây lãng phí công sức, tiền của và ảnh hưởng đến đời sống của người dân di cư khi đặt chân đến vùng đất mới.

Ngày nay, các hoạt động lấn biển hướng đến các mục đích đa dạng hơn, ngoài phục vụ cho phát triển nông nghiệp (chủ yếu là thủy sản), nhiều hoạt động xây dựng đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp… ven biển lần lượt mọc lên, gây những tác động không nhỏ tới môi trường sinh thái ven bờ. Tại rất nhiều khu vực lấn biển, chất thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư và các chất thải khác của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản có khả năng gây ô nhiễm trên diện rộng… cùng thải ra biển, làm suy thoái môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển ở khu vực lân cận.

Tuy nhiên, điểm đáng ngại hơn cả là ngày càng nhiều công trình lấn biển phục vụ xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp resort, bể bơi, khu vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy hải sản, bến cầu cảng… được dựng lên tại các khu vực ven biển, gây tác động không nhỏ đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái và làm ô nhiễm môi trường biển, thậm chí làm biến đổi cảnh quan khu vực.

Ảnh minh họa: PanNature.

Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng này khá phổ biến trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, nhu cầu mở rộng diện tích của các cộng đồng dân cư ngày càng tăng cao khiến các chính phủ phải chọn lựa giải pháp khai hoang rừng, lấn biển, cải tạo các vùng đầm lầy ven biển để lấy đất xây dựng nhà ở và trồng trọt. Chính việc quá nôn nóng tăng nhanh diện tích canh tác và cư ngụ mà bỏ qua yếu tố bảo vệ môi trường đã khiến cho hệ sinh thái bị đảo lộn nghiêm trọng.

Đối với Hàn Quốc, từ sau thập niên 70, ngành công nghiệp lấn biển chính thức bắt đầu và trong 30 năm qua, trên 40% diện tích vùng đất ngập nước nước lợ đã bị san lấp. Hàn Quốc tham gia Công ước Vườn quốc gia về vùng đất ngập nước mang vào năm 1997 và ban hành luật bảo tồn vùng đất ngập nước vào năm 1999. Tuy nhiên, ngay tại vùng đất ngập nước thuộc duyên hải miền Tây Hàn Quốc hiện vẫn đang diễn ra các công trình san lấp. Tháng 4/2010, Hàn Quốc khánh thành công trình đê biển lớn nhất thế giới có chiều dài 33km ở Saemangeum, thuộc tỉnh Jeolla, phía bắc Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo các tổ chức bảo vệ môi trường, công trình này sẽ gây thiệt hại cho môi trường sinh thái. Khu vực ngập nước rộng lớn này là có đa dạng sinh học rất cao. Vùng đất bùn là nơi trú ẩn của hàng trăm ngàn loài chim sống ở vùng bùn lầy, còn các đầm nước là nơi sinh sống của khoảng 160 loài cá, các loài cua và tảo biển. Các loài động vật đang bị đe dọa như chim Dẽ gà con, Ác là, Moòng biển Saunders, chim Choắt đốm… cũng sẽ mất đi một điểm dừng quan trọng trên tuyến đường di cư của mình. Bên cạnh đó, lượng bê tông khổng lồ dùng để xây dựng bờ sông cùng với 16 dự án đập nước trên 4 con sông này sẽ làm thay đổi dòng chảy và hủy diệt các loài thủy sinh trên các con sông.

Sự phát triển của công nghiệp và sự gia tăng nhanh chóng của dân số khiến các vùng đất ngập nước đang bị khai thác với tốc độ nhanh chóng không chỉ riêng ở Hàn Quốc mà trên toàn thế giới. Kết quả là, 54% vùng đất ngập nước của Mỹ, 90% vùng đất ngập nước của New Zealand, 68% rừng đước Philipin đã biến mất do sự khai thác của con người.

Trước bối cảnh các công trình lấn biển gia tăng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái và môi trường biển, một số quốc gia trên thế giới đã đưa ra những quy định nhằm giảm thiểu thực trạng này. Tiêu biểu, ở cảng Victoria của Hồng Kông (Trung Quốc), các công trình lấn biển làm mất cân bằng về quy hoạch, thu hẹp khu cảng dẫn tới gây tắc nghẽn giao thông biển, đồng thời phá vỡ cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước… Vì vậy, ngay từ năm 1997, các nhà lập pháp ở Hong Kong đã thông qua Sắc lệnh bảo vệ Hải cảng. Nhờ sắc lệnh này, cảng Victoria được bảo vệ và gìn giữ như một tài sản công đặc biệt và một di sản tự nhiên của Hong Kong. Hay Cục Môi trường Ai Cập (Egyptian Environmental Affairs Agency – EEAA) đã ban hành hướng dẫn đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai hoang đất đai (Environmental Impact Assessment Guidelines for Land Reclamation Projects), trong đó có hướng dẫn chi tiết hoạt động đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai hoang đất đai đến các hệ sinh thái và chất lượng môi trường, đơn cử như: tập trung vào việc đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường của hoạt động khai hoang đất đến: quần thể động thực vật trong khu vực, chế độ thủy động lực và chất lượng nước, vấn đề kinh tế – xã hội, chất lượng không khí…

Có thể thấy các hoạt động lấn biển có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững vùng ven bờ, Nhà nước cần xây dựng chiến lược quốc gia về các hoạt động, công trình lấn biển phục vụ phát triển kinh tế, có tính đến quy hoạch khai thác sử dụng đất, mặt nước và các tài nguyên vùng bờ Việt Nam, quy hoạch môi trường và đa dạng sinh học; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp theo các Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, Luật  Bảo vệ môi trường, Luật Di sản, Luật Tài nguyên nước, Luật đa dạng sinh học, Luật thủy sản các văn bản khác về chính sách môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần kiểm kê, thống kê hiện trạng tài nguyên môi trường vùng ven bờ, hải đảo, lập các bản đồ về sinh vật và các hệ sinh thái ven bờ; dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển. Riêng các tỉnh, thành phố ven biển, cần sớm ban hành quy hoạch vùng bờ, hành lang biển, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, đồng thời huy động xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái ven bờ của các cá nhân, tổ chức xã hội liên quan


Tài liệu tham khảo
1. Sơn Ca (2015), Lấn bãi biển Hòn Chồng.
2. Nguyễn Văn Cư (2006), Chuyên khảo bãi bồi ven biển, cửa sông Bắc Bộ, Việt Nam, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam.
3. Lê Xuân Hồng, Lê Thị Kim Thoa, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Địa mạo bờ biển Việt Nam.
4. UBND TPHCM (2017), Báo cáo DMC khu lấn biển Cần Giờ.
5. Vũ Trung Tạng, NXB Giáo dục (2009), Sinh thái học các hệ sinh thái cửa sông Việt Nam.
TS. Dư Văn Toán, Viện NC Biển và Hải đảo