BVR&MT – Xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các xã vùng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế, các ngành chuyên môn ở huyện Bến Lức (Long An) đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, chủ trương hướng nông dân vào sản xuất kinh tế hợp tác.
Huyện Bến Lức có tổng diện tích trên 8.000 ha. Những năm trước đây, Bến Lức được biết đến là vùng chuyên canh cây mía của tỉnh Long An. Tuy nhiên, liên tiếp các vụ mía gần đây, giá mía bấp bênh, đời sống của người nông dân gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển hướng từ trồng cây mía sang loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn đã được các ngành chức năng, địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.
Theo đó, bắt đầu từ năm 2002, được sự hướng dẫn của các ngành chức năng và sự tìm hiểu của người nông dân, nhiều hộ ở Bến Lức đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây mía sang cây chanh không hạt, bước đầu cho hiệu quả cao hơn cây mía với diện tích khoảng 1 ha được trồng, tại ấp 1 xã Bình Đức. Tiếp đó, các hộ dân ở ấp 7 xã Lương Hòa cũng trồng 2 ha giống chanh có hạt nói trên và bước người dân đã thấy được hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này.
Kể từ năm 2002, cây chanh không hạt, có tên thường gọi là chanh giấy hay chanh gai, đã bén chân trên vùng đất Bến Lức để rồi đến nay đã phát triển lên đến cả nghìn ha, tập trung ở các xã Thạch Hòa, Thạch Lợi, Hưng Hòa…
Xác định cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các xã vùng cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế, các ngành chuyên môn ở huyện Bến Lức đã thường xuyên tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, chủ trương hướng nông dân vào sản xuất kinh tế hợp tác. Từ cuối năm 2011, huyện Bến Lức đã xây dựng thương hiệu độc quyền chanh Bến Lức. Chính quyền địa phương và các cấp, các ngành trong huyện cũng đã xúc tiến tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cây chanh, mở rộng các mối quan hệ hợp tác đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp đến đặt các cơ sở thu mua, chế biến trái chanh trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở nhiều lớp hướng dẫn trồng chanh, xây dựng vùng nguyên liệu chanh theo quyết định của UBND tỉnh Long An về thực hiện Đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm”.
Năm 2014, huyện Bến Lức đã chính thức thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa, mở hướng đi mới cho cây chanh Bến Lức, phát triển quy mô diện tích chanh không hạt, xây dựng vùng chuyên canh, định hướng phát triển mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Thị trường tiêu thụ trái chanh trên địa bàn huyện khá phong phú như tiêu thụ trong nước và xuất khẩu qua đường chính ngạch, đường tiểu ngạch, xuất sang thị trường Châu Âu, các nước Trung Đông và các quốc gia trong khu vực.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bến Lức, diện tích cây chanh của huyện này hiện có là 4.776 ha, trong đó chanh không hạt chiếm trên 3.580 ha.
Tỉnh Long An đề ra mục tiêu phát triển diện tích cây chanh đến năm 2020 là khoảng 10.000 ha, trong đó, huyện Bến Lức xác định mở rộng diện tích cây chanh lên 5.000 ha chủ yếu là chanh không hạt, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng phát triển kinh tế tập thể, giúp nông dân có đầu ra ổn định đưa sản phẩm chanh Bến Lức đến với thị trường thế giới. Đồng thời, huyện Bến Lức cũng sẽ nỗ lực tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Mục tiêu là hình thành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, mô hình chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm chanh an toàn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện bền vững.
Ngoài ra, Bến Lức tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm trái chanh; đầu tư, phát triển các chế phẩm từ chanh để nâng cao giá trị kinh tế, ổn định đầu ra cho trái chanh mang thương hiệu của huyện Bến Lức.