Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển

BVR&MT – Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển”.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cơ quan chủ quản để tổ chức thực hiện Dự án cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Dự án hướng tới mục tiêu tổng thể là cải thiện quản lý vùng ven biển tại các tỉnh vùng Dự án nhằm tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Dự án đặt ra 4 mục tiêu cụ thể, gồm: (1) Sử dụng các cách tiếp cận hiện đại để tăng cường công tác quy hoạch không gian rừng ven biển; (2) Tổ chức quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên; (3) Áp dụng các biện pháp lâm sinh trong việc trồng, chăm sóc, quản lý rừng để tăng cường tính chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan; (4) Tạo ra các cơ chế khuyến khích hộ gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tham gia quản lý và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên hiện có.

Dự án được thiết kế thành 4 hợp phần: quản lý hiệu quả rừng ven biển; phát triển và phục hồi rừng ven biển; tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển và quản lý, giám sát và đánh giá Dự án.

Dự án sẽ đóng góp cho Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững thông qua việc trồng mới 9.000 ha, phục hồi 10.000 ha, giao khoán bảo vệ 50.000 ha rừng ven biển cho các nhóm hộ, cộng đồng quản lý lâu dài theo cơ chế đồng chia sẻ lợi ích; đóng cọc mốc ranh giới quản lý rừng ven biển cho các chủ rừng trên địa bàn 257 xã thuộc vùng Dự án. Dự kiến sẽ có khoảng 900 cộng đồng, ít nhất 27.000 hộ gia đình sẽ được hưởng lợi trực tiếp thông qua các cơ chế khuyến khích tham gia bảo vệ, trồng và phục hồi rừng ven biển.

Ngoài ra, Dự án sẽ đóng góp tích cực vào phát triển thể chế và chính sách quản lý rừng ven biển; trong đó, đặc biệt là việc tạo lập cơ chế tài chính bền vững thông qua việc thí điểm ít nhất 3 mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng ven biển làm cơ sở phát triển chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ven biển áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Dự án thực hiện trong 6 năm, từ năm 2017 đến 2023, với tổng vốn là 180 triệu USD, trong đó vốn vay từ nguồn Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD và vốn đối ứng là 30 triệu USD.

Hy vọng, trong thời gian tới, với việc phê duyệt và tổ chực thực hiện Dự án nêu trên sẽ tạo thêm động lực, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020.