Hệ lụy tái định cư Thủy điện Gia Lai – Kon Tum (kỳ 3): Đầu không xuôi, đuôi không lọt

BVR&MT – Là công trình thủy điện lớn nhất tỉnh Kon Tum, được Chính phủ phê duyệt thuộc nhóm II, loại A và được đặt rất nhiều kỳ vọng về cả nguồn thu cũng như chức năng bổ sung nguồn nước cho phía lưu đập nhưng sau hơn 11 năm xây dựng, Thượng Kon Tum vẫn hoàn dang dở. Không chỉ thi công chậm tiến độ, dự án còn phải điều chỉnh thiết kế và định mức bồi thường tái định cư, đặc biệt, hiện dự án vẫn chưa cấp đất sản xuất cho bà con khiến người dân khu vực tái định cư gặp nhiều khó khăn về sinh kế.

Chuyển đến nơi ở mới đã hơn 2 năm nhưng 60 hộ dân thôn Đăk Tăng vẫn chưa được giao đất rẫy

Hệ lụy tái định cư thủy điện Gia Lai – Kon Tum (kỳ 1): Phố mọc giữa rừng
Hệ lụy tái định cư thủy điện Gia Lai – Kon Tum (kỳ 2): “Phố” tái định cư

Phải điều chỉnh thiết kế và định mức bồi thường tái định cư

Thượng Kon Tum là một trong số ít công trình thủy điện giẫm theo “vết xe đổ” của Thủy điện An Khê – KaNak khi áp dụng cách thiết kế đặc biệt, tức lấy nước từ một con sông và trả nước về con sông khác. Là công trình đầu tiên trong chuỗi 06 công trình thủy điện trên dòng Sê San, Thượng Kon Tum dự kiến lấy nước từ sông Đắk Snghé (thuộc hệ thống sông Sê San) nhưng nguồn nước này lại được đổ về lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi qua đường hầm dài hơn 18 km.

Việc dẫn nước tuy giúp nâng công suất phát điện của nhà máy lên gấp nhiều lần, song có thể gây khô hạn cho vùng hạ du vào mùa khô và gia tăng lũ vào mùa mưa. Đây cũng là lý do khiến chủ đầu tư đồng ý giảm công suất thiết kế từ 250MW xuống còn 220MW, hạ cao trình đỉnh đập từ 1.177m xuống 1.163m, giảm diện tích rừng bị ngập từ 400ha xuống còn 280ha và nâng mức xả nước lên 3m3/giây so với 0,5m3/giây theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, theo Quyết định 1182/QĐ-TTg ngày 17/7/2014 về quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Sê San, mực nước xả về lưu đập không được nhỏ hơn 5,8 m3/giây vào mùa khô (tháng 2, 3, 4) và không nhỏ hơn 3,3m3/giây vào các tháng tháng 12, 1 và 5.

Ngoài những điều chỉnh nêu trên, chủ đầu tư cũng đồng ý tăng quyền lợi và định mức chi trả bồi thường cho người dân tái định cư phục vụ dự án theo phần lớn đề xuất của Viện Tư vấn Phát triển (CODE) và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Kon Tum – hai đơn vị tư vấn thực hiện Đề án tư vấn phản biện dự án di dân tái định cư xây dựng công trình Thủy điện thượng Kon Tum trong bối cảnh phát triển bền vững kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường tỉnh Kon Tum.

 Tháng 12/2009, Đề án chính thức được UBND huyện Kon Plông phê duyệt, tức ba tháng sau mốc khởi công dự án. Tuy nhiên, từ tháng 8/2008, khi được UBND tỉnh Kon Tum chấp thuận về mặt chủ trương, Đề án đã rục rịch khởi động một số hạng mục điều tra, khảo sát, nghiên cứu. Và sau gần 03 năm (2008-2011), hai đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành địa phương thực hiện song song 04 mảng hoạt động chính gồm: Điều tra nghiên cứu bổ sung chuẩn bị cơ sở khoa học và thực tiễn cho tư vấn phản biện; tham quan chia sẻ kinh nghiệm tại một số dự án tái định cư thủy điện trong và ngoài tỉnh; tổ chức giám sát cộng đồng; hoạt động tư vấn phản biện. Trong báo cáo tổng kết hoàn thiện vào tháng 10/2011, CODE và Liên hiệp Hội Kon Tum đã đề xuất nhiều nội dung liên quan đến chính sách tái định cư theo hướng có lợi cho người dân và hầu hết các đề xuất đều được các bên thống nhất điều chỉnh.

Cụ thể: Về phương án tái định cư, CODE và Liên hiệp Hội Kon Tum đề xuất nên chọn phương án tái định cư nội xã Đắk Tăng, huyện KPlông thay vì tái định cư cả 08 thôn ra ngoài vùng vì điều này sẽ giúp hạn chế tối thiểu lượng người phải di dời tái định cư và hạn chế xáo trộn xã hội (ở gần nơi cũ). Cuối cùng, các bên thống nhất lựa chọn phương án tái định cư nội xã, đặc biệt người dân được tự lựa chọn địa điểm tái định cư. Thay vì tái định cư tập trung trên suối Vi Xay, cộng đồng các thôn đã tham gia khảo sát và cùng các tổ chức tư vấn lựa chọn khu vực suối nước Oi – Ngã ba đi Đắkrinh để tái định cư cho thôn Đắk Tăng và suối Nước Ka để tái định cư cho thôn Vi Rin. Đây là hai thôn tái định cư phục vụ dự án Thủy điện Thượng Kon Tum và cả hai địa điểm tái định cư được lựa chọn đều không có trong dự kiến ban đầu.

Về đất sản xuất, phương án tái định cư dự kiến chỉ cấp 1.000m2 đất ở và đất vườn, 01 ha đất nương rẫy và 0,5ha đất ruộng cho mỗi hộ tái định cư, song hai đơn vị tư vấn đề xuất nâng lên mức 1,5-2 ha đất rẫy/hộ và tối thiểu 1 ha đất ruộng/hộ. Tuy nhiên, định mức cuối cùng được phê duyệt là 1000m2 đất ở/đất vườn, 01 ha đất rẫy/hộ và 0,4 ha đất ruộng/hộ.

Tương tự, diện tích san nền xây dựng công trình nhà/công trình phụ dành cho mỗi hộ cũng được tăng từ 45-60m2/hộ lên 140-150m2/hộ. Ngoài ra, các hộ còn được xây dựng riêng một số công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; được hỗ trợ lương thực, kinh phí nhằm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới và xây dựng các công trình công cộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Có thể nói Đề án tư vấn phản biện dự án di dân tái định cư xây dựng công trình Thủy điện thượng Kon Tum không chỉ đưa ra những ý kiến tư vấn, phản biện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, góp phần giảm thiểu tác động bất lợi đối với kinh tế – xã hội – môi trường khu vực triển khai dự án mà còn đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan, nhất là đối tượng cộng đồng. Trong đó, điều quan trọng hơn cả là bà con được tham vấn đầy đủ về các thông tin, tác động của dự án cũng như được tự quyết định vấn đề chọn địa điểm tái định cư, thành lập tổ giám sát cộng đồng và trao đổi, đàm phán về định mức bồi thường tái định cư.

Chậm giao đất rẫy vì chưa kịp chuyển đổi

 Mặc dù chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách tái định cư như: xây nhà ở, công trình phụ trợ, công trình cộng đồng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư… song riêng việc cấp đất rẫy cho bà con thì người dân vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Thôn tái định cư Đăk Tăng luôn vắng bóng người do nhiều hộ vẫn tranh thủ sản xuất tại nơi ở cũ khi lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum chưa tích nước
Cuộc sống người dân dựa vào rừng là chủ yếu
Thôn Vi Rin, xã Đắk Tăng cũng cùng cảnh thiếu đất sản xuất nên rừng quanh thôn bị tàn phá khá nhiều.

Theo ông Trương Văn Minh, Phó Ban quản lý dự án di dân tái định canh, định cư huyện Kon Plông, năm 2015, hai thôn Đắk Tăng và Vi Rin di dời lên địa điểm tái định cư nhưng vẫn canh tác ở nơi sản xuất cũ (cách nơi mới chừng 1km) nên tình hình sản xuất của bà con vẫn tạm ổn. Hiện Ban quản lý dự án đang giao đất sản xuất lúa nước cho nhân dân canh tác trước khi tích nước lòng hồ, tuy nhiên, về đất rẫy, theo cam kết mỗi hộ được cấp 1 ha nhưng hiện vẫn trên giấy tờ, văn bản.

Cũng theo ông Minh, hiện huyện Kon Plông đã quy hoạch, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng gần 75ha đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông để cấp đất rẫy cho bà con nhưng diện tích rừng này chưa được tận thu để có thể giao lại cho người dân vì vướng lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ hồi tháng 7/2016.

Về lý do chưa được tận thu, ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho biết: Công ty đã lên phương án tận thu từ tháng 6/2016 nhưng Sở NN&PTNT Kon Tum chưa cấp phép nên chưa tận thu được. Bà con tái định cư hiện thiếu đất sản xuất nên diện tích rừng của Công ty quanh khu vực xã Đăk Tăng đa phần đã giao khoán quản lý bảo vệ cho người dân và 100% hộ dân xã Đăk Tăng tham gia.

Ông Nguyễn Trung Hải – Giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum thông tin thêm: Hiện tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng cho phép khai thác thác tận thu và nếu được phê duyệt thì Sở mới cấp phép được.

Cũng theo tin từ Sở NN&PTNT Kon Tum, hiện Kon Tum có 09 dự án đã có quyết định thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp nhưng chưa khai thác tận thu lâm sản với tổng diện tích 317,41 ha. Riêng đối với dự án tái định canh, định cư dự án thủy điện Thượng Kon Tum, tổng diện tích đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng là 74,89 ha, trong đó diện tích đất có rừng tự nhiên là 66,16 ha. Diện tích này đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt phương án trồng rừng thay thế cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hồi đầu năm 2016 và giao đất cho UBND huyện Kon Plông để thực hiện. Vướng mắc duy nhất hiện nay chỉ nằm ở khâu tận thu rừng.

Được biết, cuối tháng 03/2017, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về kết quả bố trí dân cư và ổn định đời sống sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi, trong đó Thứ trưởng cũng đặc biệt chú ý đến diện tích đất rẫy giao cho thôn tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum. Tuy nhiên, hiện 106 hộ ở hai thôn Đăk Tăng và Vi Rin vẫn chưa được giao đất rẫy để sản xuất.

Không chỉ chậm trễ trong việc giao đất, Thủy điện Thượng Kon Tum còn vướng vào vụ kiện kéo dài với nhà thầu Trung Quốc là Viện Thiết kế Hoa Đông thuộc Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18. Hai đơn vị này trúng gói thầu tuyến năng lượng 2. Tuy nhiên, nhận thấy phía nhà thầu thiếu thiện chí hợp tác khiến tiến độ thi công chậm trễ và phát sinh quá nhiều chi phí, chủ đầu tư dự án – Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng từ tháng 07/2014 và hiện đang bị phía nhà thầu kiện ngược lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Tuy cuộc tranh tụng chưa có hồi kết, song VSH đang tiếp tục rà soát, đánh giá khối lượng công việc và lựa chọn nhà thầu mới, đồng thời dự kiến năm 2018 dự án sẽ vẫn hoàn thiện và đi vào vận hành.

Thủy điện Đăkđrinh nợ bồi thường tái định cư 95 tỷ đồng

Không chỉ chậm trễ giao đất cho bà con tái định cư, một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn nợ đọng tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trong đó thủy điện Đăkđrinh, là một ví dụ. Dự án được xây dựng trên địa bàn huyện huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi với công suất 125 MW gồm 2 tổ máy, khởi công tháng 2/2008, hoàn thành năm 2014 nhưng hiện vẫn nợ đọng 95 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Từ tháng 8/2013, 192 hộ dân với 843 nhân khẩu tại xã Đăk Nên, huyện Kong Plông đã di dời đến nơi ở mới nhưng do chưa được cấp đất rẫy để sản xuất, chưa được chi trả bồi thường, hỗ trợ nên 34 hộ đã bỏ về nơi cũ, sống ven các sườn đồi cao có nguy cơ sạt lở lớn.

Ngày 24/07/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Văn bản số 1939/UBND-NNTN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Đăkđrinh khẩn trương bố trí kinh phí còn thiếu để tỉnh Kon Tum hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư, tái định canh và di dời khẩn cấp đối với các hộ dân còn lại với số tiền là 95 tỷ đổng, trong đó kinh phí bồi thường hỗ trợ là 70 tỷ đồng, kinh phí xây dựng các khu tái định cư, tái định canh là 25 tỷ đồng.

Ngày 28/07/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành văn bản số 4567/UBND-CNXD đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đăkđrinh khẩn trương báo cáo, đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam xem xét, giải quyết dứt điểm, bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án thủy điện Đăk Đrinh; không để kéo dài, gây bức xúc cho người dân, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. ​Đến cuối tháng 08/2017, nếu chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện nội dung đề nghị của UBND tỉnh, UBND huyện Sơn Tây có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành có liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, có biện pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật.

—–***——

* Theo Văn bản số 296/BC-SNN của Sở NN&PTNT Kon Tum, trên địa bàn tỉnh còn 4 dự án liên quan đến thủy điện đã có chủ trương đầu tư và đang thi công dở dang cần tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích 109,14 ha. Ngoài ra, tỉnh cũng có 06 dự án thủy điện đã được phê duyệt và đang hoàn tất thủ tục để triển khai xây dựng trên tổng diện tích 476,78 ha, trong đó nhu cầu chuyển đổi đất rừng và đất lâm nghiệp khoảng 140,28 ha. Ngoài ra, một số dự án an ninh quốc phòng khác cũng sẽ được xây dựng trên tổng diện tích trên 3.231 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 1.523 ha.

Đáng chú ý là giữa năm nay, UBND tỉnh Kon Tum thông báo loại bỏ 47 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch, trong đó có 06 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư vì công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Nguyên nhân của việc loại bỏ nhằm hạn chế thấp nhất những vị trí khi đầu tư xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người dân và an ninh trật tự, trong đó Thượng Kon Tum, Đăkđrinh cũng có thể được xem là bài học điển hình.  

Văn Hoàng – Anh Tiến