Hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp đang ‘đói’ vốn

BVR&MT – Hiện có khoảng 40.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động ở khu vực nông thôn, nhưng chỉ có 1.500 DN làm ăn hiệu quả. Còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và năng lực cạnh tranh thấp.

Cơ chế xin cho trong tín dụng

Theo các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn vẫn là một trong những khâu khó khăn nhất đối với họ, đặc biệt là những DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần rất nhiều vốn để đầu tư.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết, hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi nhưng việc tiếp cận vốn của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để DN tiếp cận các gói tín dụng nông nghiệp đơn giản và hiệu quả hơn.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, khu vực nông nghiệp khó tiếp cận vốn đầu tư dài hạn cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Vì cách tiếp cận vốn cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn nặng về hỗ trợ lãi suất theo kiểu xin – cho. Các chương trình hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp giải ngân chậm và gặp nhiều khó khăn khi triển khai, vì vướng mắc quá nhiều thủ tục để giảm bớt rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều vốn để đầu tư sản xuất. Ảnh sản xuất rau xà lách tại các trang trại ở Đà Lạt. Nguyễn Dũng/TTXVN

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, các dịch vụ tài chính còn nghèo nàn hơn khá nhiều so với thế giới. Hơn nữa, hệ thống tín dụng của Việt Nam nói chung chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, những DN nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao gặp khó khăn về việc tiếp cận vốn tín dụng.

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên vốn tín dụng, nhưng thực tế theo phản ánh của các DN, điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.

Mở thêm nhiều kênh huy động vốn

Ngành nông nghiệp đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp.

Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có nhu cầu vốn rất lớn. Nhà nước đã có chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất nhưng việc tiếp cận vốn của nông dân, DN vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, các ngân hàng cần tạo điều kiện về thủ tục cho vay vốn cho sản xuất nông nghiệp.

Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển đồng bộ các sản phẩm dịch vụ tài chính mới nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng với quy mô lớn và dài hạn hơn cho nông dân, trang trại, HTX và DN trong nông nghiệp.

Ngoài ra, để giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ông Tuấn cho rằng, cần đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi. Và đặc biệt là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Hỗ trợ các công ty cung ứng dịch vụ bảo hiểm và tái bảo hiểm nông nghiệp.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Hoàng Ngọc Hòa, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Nhà nước phải kiến tạo được môi trường cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời sử dụng nhiều phương thức huy động vốn đầu tư, nhất là hợp tác công tư để nhân bội nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp của ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng những công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu và những khu đô thị hạt nhân trọng điểm ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

Cũng theo GS.TS Hoàng Ngọc Hòa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước để ra chương trình mục tiêu và có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN công nghiệp và dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Bộ Tài chính cần có những chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

“Ngân hàng nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tái cấu trúc ngành nông nghiệp nước ta. Nhất là chính sách cho vay vốn đối với các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông phẩm”, ông Hoàng Ngọc Hòa đề nghị.