Hàng loạt biệt thự “chui lọt lỗ kim” để xây dựng trên đất lâm nghiệp

BVR&MT – Nhiều công trình nhà ở có kiểu dáng kiến trúc biệt thự ngang nhiên “mọc” trên đất quy hoạch lâm nghiệp, thuộc tiểu khu 157A (khu vực Quảng Thừa, phường 4, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Dù sai phạm, song, những công trình khá quy mô này vẫn được triển khai đến khâu hoàn thiện trong thời gian dài mà không gặp “trở ngại”, khiến dư luận đặt dấu hỏi: Liệu có tình trạng bao che, bảo kê hay lợi ích nhóm?

Những công trình xây dựng đến khâu hoàn thiện.

Trên cung đường bê-tông chạy dọc tổ 23 Quảng Thừa, phường 4, TP Đà Lạt, gần Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, những công trình nhà ở kiểu dáng biệt thự đến giai đoạn hoàn thiện, nhiều ngôi nhà có diện tích sàn xây dựng lên đến hàng trăm mét vuông. Để thực hiện đến khâu hoàn thiện công trình như thế này, chắc chắn phải mất vài tháng. Dù công trình ngay trên tuyến đường chính vào khu vực này, nhưng việc xây dựng trái phép vẫn diễn ra bình thường.

Ông Phạm Văn Đa, tổ trưởng tổ 23 Quảng Thừa, người có “thâm niên” hơn 30 năm gắn bó với vùng đất này cho biết: “Thực tế, vùng Quảng Thừa chưa được cấp quyền sử dụng đất. Tổ dân phố chỉ biết đề nghị bà con đến các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là UBND phường, để làm các thủ tục xin phép sửa chữa nhà ở. Còn xin phép tới đâu và như thế nào, thì do các cấp lãnh đạo cấp trên giải quyết”.

Hiện, các công trình này đang tạm ngừng thi công. Bởi, sau khi có thông tin phản ánh, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản hỏa tốc. Trong đó, yêu cầu UBND phường 4 khẩn trương lập hồ sơ, tổ chức xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng tại khu vực tổ 23 Quảng Thừa, hồ Tuyền Lâm. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với lãnh đạo, cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm đúng quy định pháp luật.

Một công trình nhà ở kiểu dáng kiến trúc biệt thự tại Quảng Thừa.

Sau khi cấp tốc kiểm tra, UBND phường 4 đã lập biên bản, đề xuất UBND TP Đà Lạt xử phạt các công trình vi phạm hành chính. Trước mắt, phát hiện bốn công trình xây dựng không phép và tất cả đều bị đình chỉ xây dựng, chờ xử lý. “Cải tạo hay xây mới đều phải xử lý theo quy định. Nguyên tắc xây dựng là phải xin phép. Hiện, chúng tôi đang tập trung giải quyết khu vực Quảng Thừa, lập hồ sơ xử lý theo quy định. Nếu công trình sai phạm mà không xuất trình được giấy phép trong thời gian quy định thì phải khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Phan Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND phường 4, TP Đà Lạt nói.

Có thể số công trình sai phạm chưa dừng ở đó?! Và số liệu chính thức sẽ có? Bởi, mới đây, UBND TP Đà Lạt đã có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành, kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất rừng, san ủi đất trên địa bàn phường 4, do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình làm tổ trưởng. Tổ kiểm tra liên ngành này được chia thành ba nhóm, với chín nhiệm vụ quan trọng.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San cũng đã có kết luận công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo vệ rừng trên địa bàn phường 4. Trong đó, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của chủ tịch, các phó chủ tịch UBND phường, cán bộ được giao nhiệm vụ để xảy ra công trình vi phạm mà không lập hồ sơ xử lý, xử lý chậm trễ, không kiên quyết, triệt để; làm rõ vấn đề có dấu hiệu lợi ích nhóm (bao che, phát hiện không báo cáo, không tham mưu xử lý…). Liên quan đến vụ việc, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cũng yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc liên quan vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ.

Một công trình khác đến giai đoạn hoàn thiện.

Theo UBND phường 4, TP Đà Lạt, khu vực Quảng Thừa có diện tích khoảng 48 ha, thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ. Hiện, có khoảng 150 hộ đang sinh sống. Vụ việc những công trình nhà ở kiểu dáng biệt thự “chui lọt lỗ kim” đã được xử lý bước đầu. Song, dư luận hoài nghi, phải chăng, có sự tiếp tay, bảo kê để các công trình ngang nhiên “mọc” lên trên đất quy hoạch lâm nghiệp? Chúng tôi đặt vấn đề với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình, ông cho biết: “Khi triển khai xử phạt vi phạm hành chính, đến bước cưỡng chế mới thấy được. Bây giờ có tiếp tay hay không vẫn chưa biết. Ai tiếp tay, tiếp tay như thế nào đã có pháp luật”.

Từ vụ việc trên, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt yêu cầu đơn vị liên quan tổ chức thanh tra trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai của các phường, xã. Đặc biệt là với các địa bàn có “điểm nóng” về vi phạm xây dựng.