Hà Tĩnh mất mùa: Chất lượng giống là nguyên nhân chính?

BVR&MT – Chưa năm nào sản xuất nông nghiệp ở Hà Tĩnh lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay. Trong khi những giải pháp “ứng cứu” người chăn nuôi chưa tỏ rõ hiệu quả thì gần 22.000 ha lúa xuân bị dịch đạo ôn cổ bông hoành hành đã lấy đi hàng trăm tỷ đồng của người nông dân. Phần lớn người sản xuất ở Hà Tĩnh đều cho rằng, chất lượng giống là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mất mùa trên diện rộng vừa qua.

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh, sản lượng lúa xuân không trả nổi phí thuê máy gặt thu hoạch lúa.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Tĩnh cho thấy, tính đến cuối vụ xuân 2017, toàn tỉnh có 21.500 ha/58.787 ha diện tích lúa xuân bị dịch đạo ôn cổ bông trên lúa tàn phá. Trong đó, hơn 7.600 ha thiệt hại từ 30 đến 70%, hơn 13.000 ha thiệt hại hơn 70%. Các huyện bị thiệt hại nặng nề nhất là Thạch Hà (3.382 ha), Cẩm Xuyên (3.679 ha), Hương Sơn (2.256,8 ha), Can Lộc (2.672,8 ha), Đức Thọ (hơn 2.018 ha), Nghi Xuân (hơn 1.973 ha). Điều cá biệt, số diện tích bị nhiễm dịch đạo ôn cổ trên lúa chủ yếu rơi vào những thửa ruộng gieo cấy giống Thiên ưu 8 (chiếm gần 18.000 ha).

Theo ước tính, dịch đạo ôn cổ bông trên lúa khiến sản lượng thu hoạch vụ xuân 2017 ở Hà Tĩnh giảm gần 100.000 tấn. Làm một phép tính đơn giản, với giá lúa bình quân 6.000 đồng/kg như hiện nay, riêng vụ sản xuất vừa qua, nông dân Hà Tĩnh đã mất trắng gần 600 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ đối với thu nhập hiện nay của người nông dân nơi đây.

Theo lý giải của lãnh đạo Sở NN và PTNT Hà Tĩnh, diễn biến bất thường của thời tiết cộng với những yếu kém trong công tác tổ chức sản xuất là nguyên do chính khiến hàng nghìn ha lúa vụ xuân bị mất trắng. Tuy vậy, khác với nhận định của cơ quan chuyên môn, đa số người sản xuất ở Hà Tĩnh đều cho rằng, chất lượng giống là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mất mùa tràn lan vừa qua.

“Tại sao cùng một tiểu vùng khí hậu, cùng một cách thức gieo trồng, chăm bón, thậm chí gieo cấy trên cùng một thửa ruộng nhưng các giống khác thì không bị hoặc bị rất ít, còn ruộng cơ cấu giống Thiên ưu thì 100% bị nhiễm bệnh”, bà Trần Thị Lượng (xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, ông Đinh Sỹ Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng dựng, chuyển giao Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: Đây là mùa sản xuất thứ 3 giống Thiên ưu 8 du nhập vào đồng đất Hà Tĩnh. Những mùa sản xuất trước loại giống này vừa kháng bệnh tốt, vừa cho thu hoạch khá cao. Cùng với đó, trên mỗi bao bì của Thiên ưu 8 đều ghi rõ đây là giống kháng bệnh đạo ôn nên quá trình sản xuất khó tránh khỏi việc người dân chủ quan đến việc phòng dịch.

Trong khi tỉnh Hà Tĩnh đang chờ đợi câu trả lời từ Bộ NN và PTNT về nguyên nhân gây ra dịch bệnh thì những người trong cuộc chưa khỏi ngạc nhiên bởi, chỉ trong một vài vụ sản xuất thử nghiệm, giống Thiên ưu 8 đã nhanh chóng trở thành bộ giống chủ lực chính của tỉnh (chiếm 1/3 tổng diện tích gieo cấy) và càng bất ngờ hơn khi hàng rào kiểm soát chất lượng giống vào Hà Tĩnh quá mong manh.

Theo thống kê từ Sở NN và PTNT Hà Tĩnh, tổng lượng giống Thiên ưu 8 cung ứng cho vụ sản xuất vừa qua ở Hà Tĩnh là 400 tấn (tương đương hơn 6.000 ha), lượng giống này được cung ứng bởi hai “kênh”: nguồn hỗ trợ giống dự trữ quốc gia sau bão lụt năm 2016 khoảng hơn 350 tấn và số lượng cung ứng từ Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) ra thị trường 60 tấn. Vậy, gần 900 tấn giống Thiên ưu 8 được gieo cấy trên diện tích 12.000 ha còn lại ở vụ xuân vừa qua nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chuyên môn?

Ngay như số lượng giống Thiên ưu 8 do Vinaseed cung ứng ra thị trường được ngành chuyên môn Hà Tĩnh kiểm soát cũng đã tồn tại nhiều mâu thuẫn. Đơn cử, tại huyện Đức Thọ, đại lý Hòa Nam là đại lý cấp 1 có doanh số lớn nhất địa bàn này của Vinaseed. Vụ xuân 2017, qua kênh cung ứng này, đã có 43 tấn giống Thiên ưu 8 được chuyển về các địa phương. Đó là chưa kể đến một lượng lớn giống Thiên ưu 8 nhập về Đức Thọ nhưng không thông qua kênh phân phối của đại lý Hòa Nam. Số liệu trên cho thấy, mới tìm hiểu qua một huyện mà lượng giống Thiên ưu 8 nhập vào đã bằng với tổng sản lượng Thiên ưu 8 do Vinaseed cung ứng chính ngạch vào Hà Tĩnh mà ngành nông nghiệp Hà Tĩnh “kiểm soát” được. Nếu cộng toàn bộ số lượng giống Thiên ưu 8 được Vinaseed cung ứng vào 12 huyện, thị còn lại thì con số này sẽ bao nhiêu? Lượng “thất thoát” này ai kiểm tra chất lượng?

Chưa dừng lại ở những thiệt hại được đo đếm cụ thể bằng các con số, sự thất bại trong sản xuất vụ xuân năm 2017 đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh. Sau một thời gian thực hiện với hiệu quả thiết thực và rõ nét, các mô hình cánh đồng mẫu lớn đã giúp người dân nâng cao nhận thức về tích tụ ruộng đất, về tính liên kết trong sản xuất sản phẩm hàng hóa; rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân. Tuy nhiên, sự cố Thiên ưu 8 vừa qua đã trực tiếp làm tổn thương đến niềm tin của bà con về định hướng cơ cấu giống của ngành nông nghiệp và các cấp ủy, chính quyền.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh): Hiện nay công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu gặp rất nhiều khó khăn, người dân không dám đặt niềm tin vào bất cứ một loại giống nào nên rất khó vận động bà con duy trì sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Phương thức sản xuất cánh đồng mẫu lớn đang đứng trước nguy cơ phá sản. Không riêng gì huyện Can Lộc, phương thức sản xuất cánh đồng mẫu lớn đang đứng trước nguy cơ phá sản tại nhiều địa phương khác ở Hà Tĩnh.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, do những hiệu ứng tiêu cực từ vụ sản xuất trước, khiến tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất ở vụ sản xuất hè thu năm nay nhiều hơn các năm trước. Tại huyện Đức Thọ, mặc dù nguồn nước được cung ứng đầy đủ, chính quyền địa phương còn mạnh dạn hỗ trợ người dân giống sản xuất, máy làm đất nhưng hàng trăm ha “bờ xôi, ruộng mật” ở “huyện lúa” vẫn bị bỏ hoang.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho biết, công tác quản lý giống tại địa phương hiện nay đang còn nhiều bất cập. Đa phần các đơn vị cung ứng giống đều nằm ở ngoại tỉnh. Cái khó nhất trong quản lý nhà nước của tỉnh chính là chỉ kiểm soát được phần “ngọn” – lấy mẫu trên lô hàng mà không thể kiểm tra được quy trình sản xuất vì vùng sản xuất giống không có trên địa bàn. Các quy chuẩn chất lượng gồm: tỷ lệ nảy mầm, độ sạch, hạt khác giống và cỏ dại, chứ tuyệt nhiên không có quy định chất lượng nào liên quan đến dịch bệnh.

Thiết nghĩ, thất bại trong sản xuất vụ xuân năm 2017 đã bộc lộ khá rõ những yếu kém trong công tác tổ chức sản xuất, từ khâu kiểm soát chất lượng giống đến công tác điều tra, phát hiện, dự báo, hướng dẫn phòng bệnh… Và, điều người nông dân mong muốn không phải là việc quy trách nhiệm hay đổ lỗi giữa các bên liên quan. Điều quan trọng, sau “sự cố” các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp cần có cái nhìn thấu đáo, toàn diện để những vụ sản xuất kế tiếp người nông dân không còn phải chịu cảnh trắng tay như vụ sản xuất vừa qua.

Những yếu kém trong khâu tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng giống đã được chỉ rõ. Bên cạnh việc kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục sản xuất, ổn định đời sống, tỉnh Hà Tĩnh cần thực hiện giải pháp căn cơ, lâu dài, không để những “sự cố” đáng tiếc tiếp tục tái diễn.