Hà Nội: Người dân “lội” trong tuyến đường dự án chậm tiến độ

BVR&MT – Cả một đoạn đường dài chỉ trực mưa là ngập chìm trong nước, thực trạng diễn ra suốt nhiều năm nay khiến cư dân tại tổ dân phố Tân Xuân 5, Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ lớn về an toàn giao thông…

Theo phản ánh của người dân tại tổ dân phố Tân Xuân 5, đã từ lâu trên địa bàn tồn tại một điểm ngập úng nghiêm trọng, chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Địa điểm nơi xảy ra tình trạng ngập úng (ảnh vệ tinh).

Ghi nhận của phóng viên sau những ngày Hà Nội có mưa, tuyến đường trên ngập chìm trong “biển nước”, chỗ nông thì ngang bánh xe, chỗ sâu tới gần 1m, hầu hết các phương tiện qua lại nơi đây đều rất dè chừng, bởi nếu không chú ý sẽ bị sa vào các điểm ngập sâu, gây chết máy các phương tiện; nếu người tham gia giao thông không là “thổ địa” tại đây thì rất dễ sa vào các thùng vũng do việc xây dựng lâu ngày để lại; không ít trường hợp đi lại qua đây đã rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì đường ngập nước.

Việc ứ đóng nước kèm hệ thống tiêu thoát nước thải kém tạo ra một thứ nước kinh hoàng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; bên cạnh đó, cung đường trên còn là nơi tập kết của ngổn ngang bê tông, sắt thép đã tạo nên một bức tranh nhếch nhác giữa phố phường đông đúc….

Đoạn đường có rất đông phương tiện qua lại bị ngập sâu trong nước.

Theo người dân ở đây cho hay, thực trạng này đã diễn ra cách đây nhiều năm nhưng chưa được giải quyết, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên cấp chính quyền, tuy nhiên, không hiểu tại sao, năm này qua năm khác vẫn “dậm chân tại chỗ”. Không chỉ có người dân mà nơi đây còn là nơi sinh sống và làm việc của rất đông công nhân, học sinh, sinh viên… Và mỗi lúc mưa về là dòng người lại rồng rắn qua những cung đường tự chế bằng gạch đá để mong qua được đoạn đường “đau khổ”.

Người dân phải tự tạo những lối đi bằng gạch đá để di chuyển qua đoạn đường ngập úng.
Rất nhiều phương tiện qua lại nơi đây nếu không có kinh nghiệm tránh né sẽ bị chết máy ngay lập tức.
Một chiếc xe taxi đang tiến hành thăm dò đường để vượt cạn, tuy nhiên cuối cùng tài xế lựa chọn phương án là đi con đường khác xa hơn nhưng an toàn cho cả chủ và phương tiện.

Xác nhận về vấn đề trên, một cán bộ thủy lợi của Phường Xuân Đỉnh cho biết, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do cốt đường quá thấp so với mặt bằng chung, địa phương đã nắm được tình hình nhưng do các đơn vị thi công dự án tuyến đường trên chậm tiến độ, đây là nơi tập trung của rất nhiều dự án đan xen nhau nên cũng không biết bao giờ sẽ hoàn thiện xong, địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên để có hướng giải quyết… Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt địa phương đã cho lắp đặt một máy bơm giã chiến để phục vụ việc chống ngập úng trên địa bàn; tuy nhiên, việc đó cũng không giúp cải thiện được tình hình là bao. “ở đây nước không thể thoát đi đâu được, giờ chỉ có biện pháp xin nâng cốt đường lên thôi…” vị cán bộ phường Xuân Đỉnh khẳng định.

Con đường với vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đô thị, rút ngắn thời gian qua lại giữa các địa phương lân cận; cũng như tạo diện mạo mới cho địa phương, nhưng đến nay vô tình đã trở thành cái bẫy cho người tham gia giao thông, để lại hệ lụy môi trường cũng như mất đi cảnh quan đô thị tại địa bàn.

Hà Nội đang trong những tháng mưa cao điểm, và việc để xảy ra tình trạng trên đã và đang trở thành nỗi bức xúc cho người dân cũng như người tham gia giao thông. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc để giải quyết vấn đề trên, trả lại hành lang an toàn cho người tham gia giao thông, mỹ quan đô thị, cuộc sống yên bình cho cư dân nơi đây.

Tòa soạn baovemoitruong.org. vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Đức Long – Đặng Tiến