Hà Giang: Xóa đói giảm nghèo bền vững từ mô hình trồng keo lai

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Ông Lý Văn Phúc (SN 1978) ở thôn Trung, xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, hiện đang chăm sóc 16 ha keo lai nuôi cấy mô là giống vô tính, được tạo bằng phương pháp nuôi cấy mô, cây mới trồng gần 2 năm tuổi.

Trao đổi với phóng viên, ông Phúc cho biết: “Trước đây khu vực tôi trồng cây là đồi trống đất trọc. Được sự hướng dẫn của cán bộ lâm nghiệp nên cây trồng phát triển ổn định, trước đây trồng cây keo nhưng là giống khác, nên cây không phát triển như thế này. Hiện nay thực hiện mô hình nên từ khâu cuốc hố, ủ phân, khoảng cách trồng, cách bón phân đều theo kỹ thuật, nên cây phát triển rất tốt”.

Theo quan sát, đồi keo của ông Phúc phát triển rất tốt, cành lá xanh mơn mởn, đã khép tán, những hàng cây thẳng đứng cao vút, những chồi non vươn lên đầy sức sống, vỏ cây nứt ra cho thấy sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của loài keo này. Phía dưới tán cây những cành khô, cỏ dại dưới đất đang dần bị những tán lá keo che hết ánh sáng, trong một thời gian ngắn nữa chúng sẽ bị phân hủy làm phân cho cây keo.

Đoàn cán bộ kỹ thuật Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang thăm mô hình keo mô của gia đình anh Lý Văn Phúc ở xã Thượng Bình.

“Cây mô phát triển đều tăm tắp, phát triển mạnh về chiều cao, vì nó là cây vô tính nên có một số nhược điểm như hay bị ảnh hưởng bởi gió, thời tiết. Nơi nào ít bị giông gió, ít dốc thì nên trồng keo mô. Nơi có gió to hơn, độ dốc lớn hơn, thì nên trồng keo hạt, cũng nên trồng sâu để tránh cây bị bật rễ. Chu kỳ cây khoảng 7 – 8 năm, khai thác ước tính 130 – 150 mét khối/ha. Cây phát triển mạnh về chiều cao trong khoảng 4 năm đầu, sau đó sẽ phát triển mạnh về đường kính. Hiện nay mới 2 năm, cây đã cao tới 6m” – Ông Đồng Anh Đài, Cán bộ Chi cục Lâm nghiệp (SNN&PTNT Hà Giang) cho biết.

Được biết, mô hình Keo lai nuôi cấy mô ở xã Thượng Bình cây sinh trưởng đồng đều, áp dụng kỹ thuật thâm canh tốt, phát triển mạnh về chiều cao, thân cao mảnh, trung bình cây cao 6m; đường kính gốc 4,5cm, gấp gần 2 lần so với cây trồng trước đây. với Keo lai nuôi cấy mô sẽ đạt năng suất 100 m3/ha/7 năm, đem lại thu nhập khoảng 110 triệu đồng/ha, bình quân là 15 triệu đồng/ha/năm.

Với hiệu quả như vậy, việc phủ xanh đất trống trong cộng đồng dân cư sẽ có được động lực tự thân, không còn lệ thuộc hỗ trợ từ ngân sách. Việc tăng diện tích rừng trở nên khả thi và việc xâm hại rừng tự nhiên sẽ giảm thiểu nhanh chóng. Điều này gắn chặt với lợi ích về môi trường và an ninh xã hội. Cũng chính là một trong số các mục tiêu rất quan trọng của Nhà nước.

Hoàng Tưởng