Hà Giang vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc

BVR&MT –  Có lẽ những nét rất riêng của Hà Giang như: Mật bạc hà, hoa tam giác mạch, Công viên đá đã vẽ nên một Hà Giang đầy sự ngọt ngào và duyên dáng. Ai về với Hà Giang mà chưa từng biết tới và thưởng thức sự ngọt ngào của hương mật cao nguyên đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa tam giác mạch thì cõ lẽ người đó mới chỉ biết được một nửa vùng sơn cước này.

Hương mật cao nguyên – Vị ngọt núi rừng Tây Bắc

Trong những buổi đầu rét ngọt của Hà Nội, ta bỗng nhớ, để rồi bứt ra khỏi cuộc sống ồn ào nơi đô thị, trở về với sự bình yên trên khoảng trời cao nguyên. Để cảm nhận được cái nắng trên khắp dải biên thùy và Núi non hùng vĩ, xen lẫn màu xanh của cỏ cây hoa lá. Tìm đến với những cánh đồng hoa, Công viên đá đã tạo nên vẻ hấp dẫn lạ kỳ,vẻ đẹp bình dị của vùng cao nguyên đá.

Những chú ong cứ lặng lẽ, âm thầm cần mẫn qua ngày qua tháng, chắt lọc ra từng giọt mật quý giá.

Xen giữa những hốc đá cằn cỗi, cây bạc hà vẫn vươn vai những chồi non, để rồi, bật những chùm hoa nhỏ li ti, tím ngát. Trải dài ven các sườn núi là màu hoa tím, thoang thoảng hương hoa bạc hà. Màu của đá, bờ rào đá, cổng đá, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, cho ta một cảm giác bình yên dân dã. Những chùm hoa bạc hà lại mang vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, giống hệt nét đẹp của thiếu nữ vùng cao, vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc, nhưng quyến rũ, mê say, như xua đi những khô cằn và khắc nghiệt của miền cao nguyên đá.

Cũng bởi chính cái thời tiết, địa hình vô cùng khắc nghiệt, đã tạo sức sống tuyệt vời giúp hoa của cây bạc hà có được nguồn chất liệu tuyệt vời. Những đàn ong cứ lặng lẽ, âm thầm cần mẫn qua ngày qua tháng, chắt lọc ra từng giọt mật quý giá. Cũng từ đó, góp phần cho ra đời một sản phẩm có từ lâu đời ở vùng cao nguyên đá – Mật Ong bạc hà.

Mật Ong bạc hà đã trở thành “thương hiệu” của vùng cao nguyên đá. Thời điểm quay mật phải chọn sao cho vừa thu được nhiều mật, vừa giữ được Ong cho năm sau. Những ngày quay mật Ong, cả xóm, cả Đồn biên phòng nhộn nhịp như có hội. Mọi người thay nhau quay cho kịp. Mật Ong được lấy ra sánh xanh, đầy tràn các can, các chai. Mùi mật Ong thơm ngậy của hoa Bạc hà, nguyên chất…

Lung linh mùa hoa miền biên ải

Cuối thu, trời xanh trong vắt, người dân Hà Giang lại chộn rộn chuẩn bị cho mùa Lễ hội tôn vinh một loài hoa, loài hoa bình dị mà không kém phần kiêu sa – mùa hoa Tam giác mạch.

Trong tiết trời se se lạnh của mùa thu, trên những con đường quanh co, ngập tràn những bông hoa dại có sức sống mãnh liệt trong khô cằn của đá. Lũ trẻ thơ nơi đây gắn bó với những nương đá, những bạt ngàn nắng gió bình yên nơi biên ải, những cánh đồng, những triền núi… Nơi đó là màu vàng của hoa cải, tím sắc hoa sim, tím hồng tam giác mạch cứ rực rỡ trong nắng vàng.

Trong nắng sớm, trời thu yên ả, thân Tam giác mạch mỏng manh, với muôn cành nhỏ cứ vươn ra, ken vào nhau, cùng nâng đỡ những chùm trắng, hồng, tím mềm mại ….Những nương hoa Tam giác mạch như níu chân người ở lại. Giữa khung cảnh ấy, ai chẳng muốn được hòa mình vào những nương Tam giác mạch để trải lòng, hòa quyện vào thiên nhiên, để nhớ về một thời tuổi thơ hồn nhiên.
Với công sức của con người tần tảo, nắng sương để có những màu xanh, những chùm mận, đào lê trĩu quả. Để cùng tạo nên những vạt hoa cải vàng sánh cùng màu hồng tím Tam giác mạch, mang nét đẹp riêng của miền biên ải Hà Giang. Chùm hoa lung linh trước gió,mạnh mẽ trong nắng mưa, bão tố, trường tồn nơi biển đá, như thể hiện cái khát vọng, ý chí và nghị lực vươn lên của người dân nơi biên ải…

Những nương Tam giác mạch hòa quyện vào thiên nhiên.

Cuối mùa, hoa kết trái, mỗi gia đình rộn ràng thu hoạch. Bọn trẻ hồ hởi giúp người lớn chế biến hạt Tam giác mạch thành những sản phẩm đậm nét quê. Hạt Tam giác mạch bé xíu được phơi khô độ một tuần dưới nắng. Một phần ủ men nấu rượu, một phần xay bột làm bánh, để cảm nhận vị ngọt bùi bùi, hăng hăng của Tam giác mạch.Những đêm trăng bên những cánh đồng hoa, là nơi hò hẹn, chứng kiến tình yêu của bao đôi lứa, tình yêu mùa hoa cao nguyên đá.

Mùa xuân đến cũng là lúc những nụ hoa đào, hoa mận, hoa lê thay thế hoa bạc hà, hoa Tam giác mạch. Mùa xuân đã đến với những bản làng biên cương, thấp thoáng dưới những cây đào, là những nương tam giác mạch xen lẫn những vạt cải vàng rực rỡ, là sắc váy áo của các thiếu nữ dân tộc thiểu số hòa cùng màu xanh quân phục của bộ đội biên phòng.

Biên cương, mỗi người lính Biên phòng luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Vui trong ngàn hoa, vui trong mùa Tam giác mạch, bản làng biên cương lại rộn rã tiếng sáo, điệu khèn, nồng ấm tình quân dân, hoà quyện trong sắc trời biên giới như những chùm hoa Tam giác mạch.

Phượng Long