Hà Giang: Tạo sinh kế cho người dân từ phát triển du lịch gắn với bảo tồn Cao nguyên đá Đồng Văn

BVR&MT – Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang nằm ở độ cao từ 1.000 – 1.600 m so với mực nước biển và trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ với tổng diện tích trên 2.356,8 km2 , quy mô dân số (tính đến cuối năm 2016) là trên 290 nghìn người, được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010.

Du khách tham quan cánh đồng hoa Tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của trên 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, La Chí, Lô Lô, Giấy, Nùng, Hoa…). Hiện 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trong diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Nhằm bảo tồn và phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 438/QĐ – TTg ngày 07.04.2017 về Phê duyệt Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2030.

Thực tế cho thấy, Cao nguyên đá Đồng Văn hấp dẫn du khách do chứa đựng nhiều bí ẩn của kiến tạo địa chất qua hàng nghìn năm. Nhưng những giá trị này của tạo hóa sẽ có thể bị mất đi do các hoạt động làm nương rẫy của người dân hoặc khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên khu vực Cao nguyên đá, làm cho một số địa điểm như các mỏm đá, vực đá, quần thể đá bị phá hủy hoặc biến dạng. Bên cạnh đó, một số hoạt động xây dựng của người dân và doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới cảnh quan, quy hoạch… trong công tác bảo tồn Cao nguyên đá Đồng Văn.

Từ thực tiễn đó, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh các hoạt động quy hoạch cho vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Các nội dung quy hoạch hướng tới công tác bảo tồn, phát triển và tạo sinh kế cho người dân thông qua các hoạt động du lịch, dịch vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng như đẩy mạnh phát triển cây dược liệu, phát huy các giá trị bản sắc của đồng bào các dân tộc, mở rộng phát triển đặc sản “Mật ong Bạc hà”, tạo cảnh quan du lịch trên những cánh đồng Hoa Tam giác mạch; khai thác các địa điểm du lịch như Quần thể Di tích nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn), đỉnh Mã Pì Lèn huyện Mèo Vạc, vẻ đẹp Núi Đôi huyện Quản Bạ… đã giúp đồng bào vùng cao nguyên đá nâng cao thu nhập qua những khoản thu từ các dịch vụ cho thuê nương hoa chụp ảnh; các loại hình dịch vụ như ăn uống, nhà nghỉ, bán các loại sản phẩm hàng hóa của địa phương như vải dệt lanh, khèn Mông, các loại dược liệu và các loại thực phẩm mang thương hiệu vùng Cao nguyên đá… Từ các loại hình dịch vụ đã tạo ra các nguồn thu từ bán vé tham quan, hướng dẫn du lịch, phiên dịch tiếng dân tộc nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn các di sản và giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập. Qua đó, người dân vùng cao nguyên đá sẽ từng bước hiểu được các giá trị của di sản tại địa phương mình để có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ.

Khu du lịch Núi đôi huyện Quản Bạ trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn các kiến tạo địa chất, các di sản và các danh lam thắng cảnh trên vùng Cao nguyên đá của Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn do thu nhập của người dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo tại 4 huyện Cao nguyên đá còn trên 58,03% trên tổng số hộ của 4 huyện, theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ), trình độ dân trí thấp… là những khó khăn khi triển khai công tác bảo tồn các loại di sản.

Từ thực tiễn đó, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về ý nghĩa và vai trò trong công tác bảo tồn các di sản. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, thế mạnh của các di sản để các di sản trên Cao nguyên đá thực sự trở thành nguồn sinh kế cho người dân. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Hà Giang đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, định hướng phát triển, gắn các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương với công tác bảo tồn di sản và dần đưa các di sản trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành nguồn sinh kế của người dân địa phương.

Ngoài ra, Hà Giang cũng ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư, khai thác và phát triển du lịch, cây dược liệu và các thế mạnh khác của vùng có sự liên kết và phối hợp với người dân địa phương; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy các làng nghề truyền thống; sản xuất các loại hàng hóa đặc thù của vùng; đẩy mạnh phát huy các hình thức du lịch cộng đồng gắn với phục dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá. Đây chính là hướng đi của Hà Giang trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trong giai đoan trước mắt và lâu dài.

Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang)