Hà Giang: Kết quả và những tồn tại sau 1 năm thực hiện tiêu chí giảm nghèo

BVR&MT – Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện thành phố nằm trong diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện Cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ) và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang: Trong năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang giảm 4,43%; đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh từ 38,75% vào cuối năm 2016 xuống còn 34,32% vào cuối năm 2017. Bên cạnh đó, Hà Giang có trên 19 dân tộc cùng sinh sống (chủ yếu là các dân tộc thiểu số như Mông, Nùng, La Chí, Lô Lô…), trình độ dân trí của đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ manh mún là những khó khăn lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững…

Phát triển cây dược liệu là một trong các giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững tại 6 huyện 30a của Hà Giang (trong ảnh cán bộ nông nghiệp huyện Quản Bạ kiểm tra sinh trưởng của cây Astiso).

Xuất phát từ thực tế đó, nhằm đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vào năm 2020, ngày 29.11.2016, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 2950/QĐ – UBND nhằm thực hiện Bộ tiêu chí đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020. Bộ tiêu chí gồm 19 tiêu chí, được phân thành 3 nhóm là: Tiêu chí về phát triển kinh tế, tiêu chí về xã hội và tiêu chí về công tác nội chính với tổng số 67 nội dung. Để thực hiện Bộ tiêu chí, UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức các buổi hội thảo để xây dựng nội dung cụ thể; các sở, ban ngành và các huyện, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể cho từng năm nhằm huy động các nguồn lực phấn đấu đạt các tiêu chí đã đề ra.

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức sơ kết nhằm đánh giá kết quả và những tồn tại sau 1 năm tổ chức triển khai thực hiện Bộ tiêu chí. Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 1 năm triển khai đã có 47 nội dung đạt và vượt kế hoạch trong năm 2017, chiếm 70% tổng nội dung các tiêu chí; trong năm 2017, có 19 nội dung tiêu chí chưa đạt, chiếm 28%; có 01 tiêu chí không đủ cơ sở để đánh giá mà phải do cơ quan chức năng của Trung ương đánh giá. Đặc biệt, đã có 14 nội dung tiêu chí đã thực hiện trong năm 2017 đạt và vượt mục tiêu đến năm 2020.

Phát triển chăn nuôi bò hàng hóa là một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững tại 4 huyện cao nguyên đá (trong ảnh là một góc phiên chợ bò huyện Mèo Vạc, Hà Giang).

Qua một năm tổ chức triển khai thực hiện cho thấy, nội dung của các tiêu chí không tách biệt mà được lồng ghép vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, do đó gây khó khăn cho công tác đánh giá. Nguồn lực đầu tư cho phát triển còn thấp khiến nhiều nội dung của Bộ tiêu chí triển khai không đảm bảo kế hoạch và tiến độ đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã chủ động điều chỉnh tăng, giảm một số nội dung của một số tiêu chí cho sát với thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các huyện, thành phố nhưng một số giải pháp triển khai của tỉnh trong năm 2017 còn chưa sát, chưa cụ thể. Công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được thực sự quan tâm. Trong năm 2018, UBND tỉnh sẽ đề xuất điều chỉnh giảm một số nội dung một số tiêu chí, đảm bảo quy trình trên cơ sở khoa học và chỉ rõ trách nhiệm của từng ngành. Trong năm 2018, các ngành và các huyện, thành phố cần ưu tiên cho các nhiệm vụ còn đạt thấp. Đối với một số tiêu chí trọng tâm như phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng các ngành chuyên môn cần chủ động trong công tác triển khai; rà soát lại các chính sách để có các điều chỉnh bổ sung kịp thời…

Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang)