Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ góp phần xây dựng Lực lượng Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

BVR&MT –  Ngày 20/5, Cục Kiểm lâm, Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ góp phần xây dựng Lực lượng Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 13-CT/TW”, với sự tài trợ của Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife – SVW).

Hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Lâm nghiệp, với sự tham gia của các đại biểu: Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm; ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội KHKT NN&PTNT; ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội VQG và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam; GS.TS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp; ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW), cùng các đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (bên trái) và ông Dương Xuân Triệu, Phó Chủ tịch thường trực VAERD (bên phải).

Trong hơn 5 năm thực hiện, Nghị định 01/2019/NĐ-CP đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng; góp phần đảm bảo tổ chức, hoạt động của Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên bên cạnh các thành tựu đã đạt được, còn có một số điểm vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, cần được sửa đổi, bổ sung. Theo ông Mai Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức xây dựng lực lượng – Cục Kiểm lâm, chia sẻ rằng báo cáo đề dẫn của Cục Kiểm Lâm tại hội thảo đã nêu bật cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn giúp hội thảo tập trung các nội dung chính trong định hướng sửa đổi; nhằm mục đích cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hoàn thiện và đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp 2017, nâng cao hiệu quả công tác của Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Nghị định cũng thống nhất quan điểm về đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành; quán triệt thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; kế thừa các ưu điểm của quy định hiện hành; đảm bảo bộ máy được sắp xếp khoa học, hợp lý, tinh gọn, hiệu quả và ổn định; đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Mai Anh Tuấn – Trưởng phòng Tổ chức xây dựng lực lượng – Cục Kiểm Lâm.

Tại buổi hội thảo, các cơ quan, tổ chức và đơn vị đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2019/NĐ-CP thông qua các phiên báo cáo tham luận.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm TKT Hội KHKT NN&PTNT Việt Nam (VAERD), mô hình tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang không phát huy tốt hiệu quả hoạt động do trong quá trình thực hiện quy định của Nghị định hiện hành ở một số địa phương đã phát sinh vướng mắc về công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp và quy trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, về chế độ, chính sách, trang thiết bị làm việc của các lực lượng. Trên cơ sở đó, VAERD đã đưa ra một số khuyến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị định 01/2019/NĐ-CP gồm: Bổ sung quy định về nhiệm vụ phát triển rừng, quản lý chế biến và thương mại lâm sản của lực lượng Kiểm lâm; quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm địa bàn. Ông đề xuất nghiên cứu đưa ra chính sách đặc thù cho lực lượng viên chức Kiểm lâm và chế độ, chính sách dành cho Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đặc biệt, nhấn mạnh việc cần nghiên cứu, sửa đổi mô hình tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đáp ứng yêu cầu công tác.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm TKT Hội KHKT NN&PTNT Việt Nam (VAERD).

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội VQG và Khu bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam cho rằng Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhiều Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên đã giải thể để chuyển sang Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Từ đó, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, các vụ xâm lấn đất rừng, phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, săn, bẫy, bắt động vật hoang dã có xu hướng tăng, có lúc, có nơi trở thành những điểm nóng về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, ông Dũng đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung quy định một số Vườn quốc gia, Khu BTTN chuyển đổi sang mô hình Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ trực thuộc Ban quản lý…

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội VQG và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam.

Là một tổ chức đã và đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ tuần tra bảo vệ rừng, Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cũng nhận thấy được những khó khăn và vướng mắc tương tự trong quá trình triển khai các quy định của Nghị định 01/2019/NĐ-CP về tổ chức lại các Ban quản lý và tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tại một số địa phương. Đại diện tổ chức SVW, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm, đã chia sẻ một số kinh nghiệm về xây dựng, tổ chức lực lượng Kiểm lâm và tổ chức công tác quản lý bảo vệ rừng tại Thái Lan. Đồng thời, ông Thái đưa ra một số khuyến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; nâng cao vai trò về đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực của Chi cục Kiểm lâm vùng; phát triển các lực lượng hỗ trợ bảo vệ rừng khác bên cạnh Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và một số nội dung cụ thể khác.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW).

Buổi hội thảo tiếp tục diễn ra sôi nổi với những phiên thảo luận sâu hơn. Đa số các đại biểu ủng hộ đề xuất sửa đổi mô hình tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo hướng thuộc Ban Quản lý rừng về mặt hành chính, chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Kiểm lâm trung ương hoặc Kiểm lâm cấp tỉnh; đồng thời, đề xuất bổ sung các quy định nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay liên quan đến lực lượng viên chức Kiểm lâm, nâng cao chế độ, chính sách cho Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tán thành với đề nghị bổ sung quy định về Kiểm lâm địa bàn; làm rõ quy định về tổ chức, đảm bảo hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; sửa đổi quy định về trang phục làm việc của Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội KHKT NN&PTNN Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, ông Hà Công Tuấn cho rằng Hội thảo lần này là cơ hội tốt để tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu những ý kiến hay. Thông qua đó, ban soạn thảo Nghị định sẽ cân nhắc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó đặc biệt chú ý đến: quy định về Kiểm lâm địa bàn; quy định về viên chức Kiểm lâm; quy định về mô hình tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; cân nhắc bổ sung quy định UBND tỉnh có trách nhiệm phát triển lực lượng chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, ông Tuấn gửi lời cảm ơn, tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự; sẽ tiến hành tổng hợp, đưa ra các góp ý cụ thể cho ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2019/NĐ-CP.

Hậu Thạch