Gò Nổi – Vùng đất địa linh của tỉnh Quảng Nam

BVR&MT – Gò Nổi được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt của tỉnh Quảng Nam gồm 3 xã cù lao Điện Trung, Điện Phong và Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn. Tuy là vùng đất nhỏ bé nhưng có rất nhiều danh nhân đã sinh ra và lớn lên tại đây. Không những vậy, Gò Nổi còn là một cái nôi căn cứ của phong trào đấu tranh cách mạng Khu V.

Gò Nổi được thành lập vào cuối thế kỷ XIX do những người dân từ Thanh Hóa, Nghệ An vào lập nghiệp. Từ thời phong kiến, các vua chúa có chính sách đưa dân vào Nam để khai khẩn đất hoang, theo đó những cư dân miền Bắc bắt đầu di dân bằng đường biển, khi đến Cửa Đại (Hội An) thì họ nhận ra đây là một cửa biển rộng lớn, nhìn về phía tây là sông Thu Bồn cung cấp nước cho vùng đồng bằng phì nhiêu của miền Trung, họ quyết định chèo ngược sông Thu Bồn và gặp vùng Gò Nổi, nơi đây bao quanh là nước, phù sa phì nhiêu phù hợp với nền canh tác lúa nước truyền thống của cư dân.

Đền thờ các anh hùng liệt sỹ tại vùng đất Gò Nổi Ảnh: Internet

Phù sa rất nhiều và màu mỡ nhưng Gò Nổi cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro do bão lũ, ngoài sông Thu Bồn thì Gò Nổi còn là nơi bắt nguồn của của 2 con sông là Vĩnh Điện và Bà Rén, chính vì thế lượng nước quanh năm rất cao, mùa lũ nước lên rất nhanh nhưng lại rút rất lâu. Mặc dù gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong việc phát triển kinh tế do thiên tai nhưng những cư dân ở đây vẫn một lòng bám trụ mảnh đất quê hương này, để rồi những anh hùng, danh nhân bắt đầu xuất hiện ở vùng đất Gò Nổi này.

Trong 3 xã cù lao của Gò Nổi thì Điện Bàn là vùng đất có nhiều danh nhân, anh hùng nhất. Trải qua hàng trăm năm Gò Nổi vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của vùng đất anh hùng. Thời kì phong kiến có thể kể đến những danh nhân như Hoàng Diệu, vị phó bảng học rộng tài cao, Tổng đốc thành Hà Nội thề chết bảo vệ thành; Phạm Phú Thứ mới 23 tuổi đã đỗ tiến sỹ; Chí sỹ Trần Cao Vân một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân; Danh thần Lê Đình Đỉnh nhà ngoại giao tài ba của triều Nguyễn…

Đến thời kì kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Gò Nổi vẫn có những cái tên đi vào sử sách như: Nhà giáo, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ Phan Thanh; Phan Bội (Hoàng Hữu Nam) – Thứ trưởng Bộ nội vụ (nay Bộ công an) đầu tiên của Việt Nam; Giáo sư, Nhà giáo, Nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ; Trần Thị Lý – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Nguyễn Thị Bình – nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam. Gò Nổi còn dựng đền thờ Vua Hùng, chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng năm vẫn tổ chức các nghi lễ tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.

Đền thờ Vua Hùng được người dân xây dựng để tưởng nhớ công ơn dựng nước Ảnh: Internet

Là chiến trường xưa, Gò Nổi đã trở thành cái nôi của phong trào cách mạng khu V, in dấu bao trận đánh oai hùng của quân và dân Quảng Nam, những di tích như Lò Gạch Trừng Giang, Kho Muối vẫn còn in dấu, được nhà nước công nhận là di tích văn hóa. Người dân Quảng Nam nói chung và Gò Nổi nói riêng vẫn còn tương truyền câu “Nhất Củ Chi-Nhì Gò Nổi” đã cho thấy sự ác liệt của chiến tranh và sự anh dũng của quân và dân Gò Nổi như thế nào.

Chiến tranh đã đi xa, hòa bình đã trở lại, nhân dân Gò Nổi bây giờ tập trung vào việc phát triển kinh tế, ở vùng đất này người dân chủ yếu phát triển ngành nông nghiệp truyền thống như nuôi tằm, dệt tơ, trồng lúa nước, sản xuất đường… Dòng sông Thu Bồn vẫn chảy hiền hòa cung cấp lượng phù sa màu mỡ cho Gò Nổi và các tỉnh miền Trung. Nhân dân Gò Nổi và tỉnh Quảng Nam sẽ không bao giờ quên những vị anh hùng danh nhân đã hy sinh thân mình cho hòa bình độc lập như ngày hôm nay.

Nhân Vũ