Giúp nông dân Tây Nguyên làm giàu

BVR&MT – Tận dụng những tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Nguyên, nhiều nông dân đã phát triển mô hình nông nghiệp quy mô lớn và trở thành tỷ phú. Để nhân rộng mô hình này, mang lại hiệu quả kinh tế, thời gian tới, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên sẽ thực hiện nhiều giải pháp và đề án hỗ trợ, giúp nông dân làm giàu.

Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong vùng đã có hàng nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân tỷ phú, thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm, nhờ phát triển gia trại cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chăn nuôi… Nông dân đã tận dụng tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, tìm tòi và áp dụng các công nghệ phù hợp để tối đa hóa lợi nhuận, xây dựng được những mô hình sản xuất tốt, có thu nhập 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha.

Anh Đào Duy Vũ ở thôn Lệ Kim, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai là chủ sở hữu hơn 5 ha đất trồng cây cao su, tiêu, cà phê… Anh cũng là một trong 85 nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XI năm 2016.

Tây Nguyên có gần 1 triệu hộ nông dân, trong đó có hàng nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; 70% dân số sinh sống tại nông thôn và là nơi sản xuất ra hầu hết sản phẩm nông nghiệp của vùng. Những năm tới, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ có nhiều chính sách, dự án cụ thể để hỗ trợ, tạo cơ hội cho nhà nông phát triển, nhân rộng mô hình nông nghiệp quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế, xứng với tiềm năng, vị thế của người và đất Tây Nguyên.

Già làng Y Seng Buon Ya, người Ê Đê ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) chia sẻ: “Ba buôn (EaKMat, TaRa, Puôr) có 650 hộ và 650 ha đất nông nghiệp. Trong những năm qua, bà con dân tộc trên địa bàn chủ yếu trồng cà phê, nhưng cây trồng này đã già, năng suất kém nên đời sống rất khó khăn. Bà con có cơ hội tiếp cận với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các gương nông dân làm kinh tế giỏi, để học hỏi và áp dụng vào trong sản xuất là rất mừng”.

Gia đình già làng Y Seng Buon Ya được công ty cà phê đóng trên địa bàn giao khoán chăm sóc 4 ha cà phê. Bước đầu già làng Y Seng Buon Ya đã trồng 5 sào cây chanh leo và đầu năm nay cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Già làng Y Seng Buon Ya cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật và vay vốn ngân hàng, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng sầu riêng xen canh với cà phê”. Theo già làng Y Seng Buon Ya, người nông dân sản xuất phải thật thà, đạo đức, chấp nhận những khó khăn bước đầu và mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất. Vốn ít thì phải “lấy ngắn nuôi dài”, bằng cách đa canh, đa cây, đa con, để trật cái này thì sẽ trúng cái khác.

Chị Nguyễn Thị Thái Hà ở huyện CưM’gar (Đắk Lắk) đã thành công với mô hình đại điền nhờ chọn giống cây phù hợp cho năng suất cao và giá trị kinh tế. Hiện nay, gia đình chị Hà có 22 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trồng các cây như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bưởi da xanh… mỗi năm tổng doanh thu đạt 7 tỷ đồng. Chị Hà cho biết: “Tôi có được những thành công như hôm nay là nhờ cố gắng của gia đình và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng để phát triển sản xuất”.

Theo chị Hà, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, gây rất nhiều khó khăn, tôi mong cơ quan quản lý giúp người dân trong việc canh tác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, chính quyền địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, liên kết người sản xuất và nhà tiêu thụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, ổn định giá cả cho người nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Tháo gỡ khó khăn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành nông nghiệp Tây Nguyên đang đứng trước những khó khăn về biến đổi khí hậu làm hạn hán, lũ lụt tăng mạnh; cơ chế chính sách chưa được điều chỉnh phù hợp, kịp thời với thực tiễn sản xuất, nhất là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng cho phát triển nông nghiệp… Mặc dầu Nhà nước đã đầu tư không ít sức người, sức của cho phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, nhưng nông nghiệp các tỉnh trong vùng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tây Nguyên cần những chính sách đột phá, để phát triển ngành nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống cho người dân.

Gia đình anh Ngô Xuân Tam, ở xã Ea Y Ông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) được Công ty TNHH MTV cà phê Phước An giao khoán gần 1 ha đất để trồng cà phê. Năm 2004, anh Tam đã được công ty hỗ trợ trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê, đến nay đã cho thu nhập 750 triệu đồng/năm. Anh Tam cho biết: “Thời gian qua, gia đình tôi và nông dân trên địa bàn đã được cơ quan quản lý tạo điều kiện để canh tác, sản xuất. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách thuận lợi để nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, bảo đảm giá cả, ổn định sản xuất”. Theo anh Tam, với khó khăn về thời tiết, khí hậu thì người nông dân cần được hỗ trợ giống cây trồng, khoa học kỹ thuật phù hợp, năng suất và chất lượng mới cao.

Công ty CP TPXK Đồng Giao trong nhiều năm qua đã liên kết, ký hợp đồng bao tiêu một lượng lớn quả chanh dây cho bà con nông dân và doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn Tây Nguyên, tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Để giúp nông dân phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP TPXK Đồng Giao cho rằng: “Các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường, đem lại thu nhập cao hơn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nông dân và doanh nghiệp vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất; chú trọng công tác liên kết giữa doanh nghiệp, các nhà khoa học và nhà nông, để nông dân có sự hỗ trợ”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị cần tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với các nhà máy chế biến tại khu vực Tây Nguyên, để giúp bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân. Nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ các chính sách khuyến nông thông qua các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. Doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư vùng nguyên liệu, buộc phải tính toán, làm bài bản để bảo đảm hiệu quả sản xuất bền vững cho người nông dân.

Từ thực tế của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã nêu ra những hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn như: Ngành nông nghiệp chưa ứng dụng khoa học – kỹ thuật phổ biến rộng trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; cơ cấu cây trồng chưa được đổi mới; đặc biệt còn những “điểm nghẽn” trong vấn đề nguồn đất sản xuất, vốn đầu tư, nguồn lao động có chất lượng, sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà đầu tư còn khiêm tốn…