Giao duyên cùng Hạn Khuống

BVR&MT – Những lúc nông nhàn, những dịp lễ Tết, người Thái vùng lòng chảo Mường Lò lại tưng bừng mở hội Hạn Khuống. Hội được mở vừa để gắn kết cộng đồng, vừa để các đôi trai gái gặp gỡ, trao duyên.

Sàn Hạn Khuống…

Vùng lòng chảo Mường Lò không chỉ nổi tiếng bởi gạo trắng nước trong, mà đây là vùng đất chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là của người Thái, chiếm tới hơn 40% dân số trong vùng. Ngoài thời gian làm lúa, trồng màu, người Thái dành nhiều thời gian tổ chức vui chơi hội hè. Đây chính là khởi đầu của những lễ hội của đồng bào Thái Nghĩa Lộ, như: Rằm tháng Giêng, lễ hội Hoa Ban, Rằm Xíp Xí… Và, trong kho tàng văn hóa dân gian của người Thái không thể không nói đến hội Hạn Khuống.

Các chàng trai thổi pí, hát khắp xin được lên sàn Hạn Khuống.

Nói về nguồn gốc hội Hạn Khuống, nghệ nhân Lò Văn Biến nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở Mường Lò cho biết: Vào thế kỷ 11, Tạo Xuông đến đất Mường Lò và chọn nơi đây làm mảnh đất định cư của người Thái. Khi đã an cư lạc nghiệp, sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, người Thái thường nghĩ cách để vui chơi ca hát. Để có một nơi vui chơi chung, các thanh niên trong bản thống nhất dựng một cái sàn ở giữa bản, để ai cũng có thể đến và tham gia vui chơi cùng. Vậy là họ lên rừng chặt tre về, dựng một cái sàn lên làm nơi vui chơi, gọi là sàn Hạn Khuống.

Cảm phục tài năng của các chàng trai, các cô gái đồng ý thả thang xuống mời các bạn trai lên sàn Hạn Khuống.

Nghệ nhân Lò Văn Biến giải thích, trong tiếng Thái, “Hạn” là “sàn”, còn “Khuống” là “sân”. Hạn Khuống có nghĩa là “cái sàn dựng ngoài sân”. Sàn Hạn Khuống thường được dựng trên sân đất trống của bản, có hình vuông hoặc hình chữ nhật, mặt sàn cao khoảng 1,5 mét và được lát bằng dát tre… xung quanh có rào tre đan hình mắt cáo. Lối lên sàn có bậc thang, ở giữa sàn là một bếp lửa. Trên sàn Hạn Khuống có 5 cây “lắc xáy”. Cây to nhất ở giữa là “lắc xáy cốc”, được làm bằng tre hay cây bương to, dài, thẳng và tỉa hết cành lá, chỉ để mấy ngọn lá trên ngọn chóp và treo hình các con vật như con chim, ve sầu… được đan bằng lạt nhuộm mầu sắc sặc sỡ. Bốn “lắc xáy” khác cũng có hình dáng tương tự “lắc xáy cốc” nhưng nhỏ hơn, được dựng ở bốn góc sàn. Trên sàn, người ta chuẩn bị rất nhiều dụng cụ: sa quay sợi, cán bông, kéo sợi, vải, chỉ để thêu thùa dành cho nữ; lạt xanh, đỏ, trắng để đan hom, đan giỏ, đan ớp và ống điếu, đóm, thuốc lào dành cho các chàng trai. Ngoài ra còn có các vật dụng để đan chài, đan vợt xúc và một số nhạc cụ như khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo…

…giao duyên

Khi vượt qua thử thách, cô gái cho chàng trai dự cuộc vui.

Vào đêm diễn ra hội Hạn Khuống, các nam thanh nữ tú trong bản rủ nhau góp nhau thức ăn, đồ uống, mời các cụ già trong bản đến cùng ăn, cùng tham gia đêm hội. Những thiếu nữ xinh đẹp, nết na, duyên dáng, có tài hát ứng đối được chọn lên sàn Hạn Khuống. Sau khi các thiếu nữ lên sàn, chiếc thang nhỏ được cất đi, cô “Xao tổn khuống” – chủ của sàn Hạn Khuống bước vào vị trí “lắc xáy cốc” nhóm lửa và hát khắp. Những cô gái khác được gọi là “xao lắc xáy” vừa quay sa, vừa chờ đợi. Khi ngọn lửa được nhóm lên, trai bản trên, xóm dưới đến chân sàn Hạn Khuống, vừa thổi pí, thổi khèn, vừa hát “khắp” xin thang để được lên sàn hoa. Lời hát rằng: “Anh từ bản xa nhìn thấy lửa/ Thấy bóng má hồng muốn hỏi thăm/ Thấy đuôi mắt liếc muốn say/ Nhìn thấy sàn hoa muốn đến chơi”. Lúc này, các cô gái vẫn còn rụt rè e ngại: “Anh từ phương xa nào đến/ Từ sông Mã hay sông Đà/ Ở khe suối đầu nguồn hay đất bạn nào xa/ Nếu như người đã có vợ đừng đến nơi, đừng tán chuyện/ Nếu như người đã có hẹn ước, đừng lên đây”.

Những lời hát đối đáp cứ thế tiếp diễn, cho đến khi các cô gái trên sàn Hạn Khuống cảm phục tài các chàng trai, đồng ý thả thang xuống mời các bạn trai lên sàn: “Vậy em xin mời anh/ Người từ xa đến lên sàn Hạn Khuống”. Rồi các cô cũng khéo léo nhắc nhở: “Thang này của em thang yếu ớt, mảnh dẻ/ Nếu anh đã có vợ đừng nên đến, đừng lên/ Anh lên rồi, nếu không có lòng thì đừng vào bếp lửa/ Nếu không xác định tìm người thương thì đừng nên nói chuyện yêu đương”.

Ai có cảm tình thì đến ngồi cạnh nhau.

Các chàng trai sau khi đã được lên sàn Hạn Khuống, vẫn tiếp tục khắp đối đáp để xin ghế ngồi, xin thuốc hút, xin nước uống… và cứ thế cuộc đối đáp kéo dài đến đêm khuya. Cho đến khi các cô gái xiêu lòng: “Anh ơi, em chưa nhận lời với ai trong bản/ Em chưa hứa ước cùng trai mường xa/ Em là gái chưa cùng ai/ Vẫn đợi chờ người em thương…”. Vậy là các chàng trai đã vượt qua thử thách, được các cô gái cho dự cuộc vui. Đến lúc này, ai có cảm tình thì đến ngồi cạnh nhau. Cô gái vừa thêu thùa, kéo sợi, cán bông… chàng trai vừa đan giỏ, đan hom, vừa kể chuyện tâm tình. Lúc này, người già, người trẻ đều có thể lên sàn Hạn Khuống, vừa hát vừa trò chuyện đầm ấm quanh bếp lửa hồng.

Nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng sau những đêm Hạn Khuống.

Cuộc vui kéo dài đến đêm khuya, khi “Ánh trăng đã chếch bờ tre/ Tiếng gà bản bên đã gáy sáng”, cô “Xao tổn khuống” cất thang và hẹn: “Ta tạm chia tay, hẹn đêm mai lại lên sàn Hạn Khuống”, lúc đó, các chàng trai, cô gái mới bịn rịn chia tay, ai về nhà nấy.

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, với nhiều hình thức vui chơi giải trí phong phú như tung còn, múa xòe…; nhưng đêm đến, sinh hoạt chủ yếu của Hạn Khuống là hát giao duyên. Không chỉ có các cô gái, chàng trai hát trên sàn, mà đám đông bên dưới nhiều khi cất tiếng hò reo phụ họa làm cho không khí vô cùng náo nhiệt. Và rồi sau những đêm Hạn Khuống, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.

Với những ai đã một lần đến Mường Lò, chắc hẳn sẽ khó quên những mái nhà sàn huyền ảo trong sương, những bản làng rộn rã tiếng khèn, khó quên câu hát khắp tình tứ…Và, nếu ai đã một lần xem hội Hạn Khuống, hẳn sẽ không quên tiếng cười, tiếng hát trong trẻo của các chàng trai, cô gái. Để rồi, mỗi khi nhớ đến Mường Lò, lại ngẩn ngơ nhớ sàn Hạn Khuống, mong được một lần trở lại nơi đây, đắm mình trong đêm hội Hạn Khuống giao duyên.

Lộc Phương Lan