Giao đất, giao rừng ở Ba Chẽ – Vì sao chậm tiến độ?

BVR&MT – Đến nay công tác giao đất, giao rừng cho các hộ dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo Đề án giao đất, giao rừng đối với diện tích do UBND cấp xã đang quản lý cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2013-2015, đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành công tác giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn 134 hộ (xã Nam Sơn, Đồn Đạc) chưa đồng thuận với phương án giao đất, giao rừng khiến tiến độ bị chậm so với mục tiêu đề ra.

Cán bộ địa chính xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ rà soát lại diện tích đất rừng mới giao cho gia đình anh Triệu Văn Tuấn, thôn Khe Lọng Ngoài.

Ba Chẽ là địa phương có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển lâm nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng Đề án giao đất, giao rừng không chỉ bảo vệ và khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế rừng của địa phương mà còn tạo động lực khuyến khích cho các hộ dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo thu nhập. Qua đó, góp phần xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo Đề án, 8/8 xã, thị trấn được phê duyệt phương án giao đất, giao rừng với tổng diện tích trên 3.800ha, gần 850 đối tượng. Trong đó có gần 820 hộ (trên 2.900ha); 29 cộng đồng dân cư thôn, khu phố (hơn 900ha). Kết quả, đến nay mới có 6/8 xã, thị trấn hoàn thành công tác giao đất thực địa và nội nghiệp; 820/680 hộ và 28/29 cộng đồng dân cư đã nhận đất rừng sản xuất. Tổng diện tích đất rừng đã giao xong hơn 3.300ha. Hiện tại, 8 xã, thị trấn đang triển khai in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp phát cho các hộ, cộng đồng dân cư mới được giao đất. Tuy nhiên, hiện nay, tại 2 xã: Nam Sơn và Đồn Đạc vẫn còn 134 hộ (gần 500ha) chưa chịu nhận đất giao, dẫn đến kế hoạch triển khai Đề án giao đất, giao rừng của huyện Ba Chẽ bị chậm tiến độ…

Nam Sơn là một xã miền núi, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, vì vậy nhu cầu về đất đai nhất là đất lâm nghiệp rất cao. Thực hiện Đề án giao đất, giao rừng xã đã được phê duyệt phương án cho 96 hộ với diện tích giao dự kiến hơn 210ha. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, xã mới giao xong cho 61 hộ với diện tích trên 140ha. Còn lại 35 hộ với hơn 70ha vẫn chưa chấp thuận với phương án giao đất, giao rừng sản xuất. Ông Lý Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nguyên nhân khiến 35 hộ chưa đồng thuận với phương án do các hộ “chê” diện tích đất rừng được giao ít, manh mún, địa hình, giao thông đi lại khó khăn, khó canh tác… Về hướng giải quyết, mặc dù xã đã tuyên truyền, vận động đến những hộ này nhiều lần nhưng đến nay bài toán giao đất, giao rừng cho số hộ còn lại vẫn đang rơi vào tình trạng bế tắc.

Lý giải nguyên nhân khiến việc giao đất, giao rừng bị chậm tiến độ, ông Đàm Quang Thành, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Chẽ, cho hay: Do quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện không còn nhiều, trong khi đó hiện nay diện tích đất lâm nghiệp các xã quản lý chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, manh mún… gây khó khăn cho việc quy hoạch. Tại thời điểm rà soát quỹ đất trên địa bàn, huyện đang đo đạc bản đồ địa chính đất lâm nghiệp, chưa có kết quả chính thức, vì vậy việc xác định diện tích thực hiện Đề án, diện tích đã giao cho các hộ chủ yếu dựa vào số liệu cũ chưa chính xác so với thực tế, phải điều chỉnh lại. Ngoài ra, việc lập phương án giao đất, giao rừng của các xã, thị trấn chậm, trong đó các phương án giao không nhất quán, thay đổi nhiều lần dẫn đến việc thẩm định về phê duyệt phương án giao đất, giao rừng của cấp xã bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó, ý thức của một số hộ còn trông chờ, ỷ lại, quan điểm không nhất quán dẫn đến dễ thay đổi, khi đã thống nhất phương án bốc thăm đi thực địa lại không chịu nhận đất giao.

Về hướng giải quyết, hiện nay huyện đang chỉ đạo 2 xã: Nam Sơn, Đồn Đạc tiếp tục tuyên truyền, vận động cho các hộ nhận đất canh tác theo phương án đã phê duyệt. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát lại hiện trạng thửa đất các hộ không nhận. Nếu thực tế, những thửa có thể canh tác được (đá lộ đầu dưới 50%, độ dốc <35 độ) thì kiên quyết không xem xét cho chuyển vị trí khác. Diện tích đất những hộ không chịu nhận, 2 xã cần quản lý chặt chẽ, không để tình trạng lấn chiếm trái phép. Đối với diện tích không thể sản xuất được, các xã cần sớm tổng hợp số liệu báo cáo để huyện bố trí thay đổi vị trí khác. Ngoài ra, để đảm bảo quỹ đất dự trữ giao lại cho các hộ nhận phải diện tích không thể canh tác được, huyện đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ rà soát chi tiết quỹ đất lâm nghiệp của Công ty để lấy lại khoảng 450ha giao cho các hộ dân.