Gia tăng ngập lụt ở thành thị, khô hạn ở nông thôn

BVR&MT – Một nghiên cứu toàn cầu về lượng mưa và mực nước của các sông ngòi trên thế giới do các kỹ sư thuộc Đại học New South Wales (Sydney) thực hiện đã chỉ ra rằng việc gia tăng nhiệt độ đã dẫn tới sự thay đổi căn bản của các mô hình dòng chảy với khuynh hướng gia tăng ngập lụt ở các khu vực thành thị và khô hạn ở các vùng nông thôn. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Scientific Reports.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phân tích dữ liệu của hơn 43.000 trạm đo mực nước mưa và 5.300 điểm giám sát dữ liệu dòng chảy của các con sông trải rộng khắp 160 quốc gia.

Ngập lụt ở Hà Nội (Ảnh: Lao Động)

Đúng như dự đoán của nhóm nghiên cứu, kết quả phân tích cho thấy rằng nhiệt độ cao hơn sẽ gây ra các trận bão mạnh hơn. Điều này hoàn toàn hợp lý vì khí hậu nóng lên đồng nghĩa với không khí sẽ nóng hơn, không khí nóng hơn sẽ có độ ẩm cao hơn. Khi trời đổ mưa, hơi nước trong không khí sẽ rơi xuống đồng loạt, do vậy, mưa sẽ lớn hơn.

Nhưng có một câu hỏi đặt ra là tại sao lũ lụt không cùng tăng theo tỷ lệ gia tăng của lượng nước mưa?

Câu trả lời đến từ một khía cạnh khác của hiện tượng nhiệt độ tăng: sự bốc hơi nước từ đất ẩm sẽ diễn ra nhanh hơn, khiến nền đất khô nhanh hơn trước khi cơn mưa mới xuất hiện, trong khi đất ẩm rất cần thiết để duy trì nguồn nước sinh hoạt và trồng trọt ở nông thôn. Mặt khác, ở những khu vực thành thị và lưu vực nhỏ hẹp có rất ít diện tích đất để hút ẩm, khi phải hứng chịu một cơn mưa lớn sẽ đồng nghĩa với hứng chịu lũ lụt, gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất và con người.

Giáo sư thủy văn Ashish Sharma, Khoa Kĩ sư Xây dựng và Môi trường, Đại học New South Wales cho hay: “Hướng di chuyển của các dòng chảy đã được thể hiện rõ ràng hơn sau khi chúng tôi sắp xếp xong khối dữ liệu này. Khác với những nghiên cứu trước, với nghiên cứu này, chúng tôi dựa vào quan sát dữ liệu các dòng chảy và mưa thực tế trên toàn cầu chứ không dựa trên công nghệ mô phỏng vì vậy nghiên cứu rất sát thực tiễn.”

Tác giả chính nghiên cứu, ông Conrad Wasko, Trung tâm Nghiên cứu về Nước, Đại học New South Wales, bình luận: “Đây thực sự là một lời nguyền kép. Người dân đang không ngừng di cư đến các thành phố, nơi tình trạng ngập lụt đang trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, chúng ta cũng cần có lượng nước cần thiết cho các vùng nông thôn để phục vụ canh tác nông nghiệp cung cấp nguồn thực phẩm cho các thành phố với số dân ngày càng tăng.”

Theo thống kê, thiệt hại do lũ lụt gây ra trong năm 2013 là hơn 50 tỷ USD và con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới do các đợt mưa bão ngày càng nghiêm trọng và lượng dân di cư vào thành thị vẫn tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, dân số thế giới 20 năm sau được dự đoán sẽ tăng 23% từ 7,3 tỷ lên 9 tỷ, đòi hỏi vừa phải gia tăng năng xuất vừa phải đảm bảo an ninh nguồn nước. Sự suy giảm và dịch chuyển các dòng chảy được ghi nhận trong nghiên cứu sẽ khiến vấn đề này càng trở lên thách thức hơn trước.

“Biến đổi khí hậu không ngừng gây ra những vấn đề không mong muốn. Tuy nhiên, là những kĩ sư, vai trò của chúng tôi là phải xác định được vấn đề và đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, hiểu rõ vấn đề chỉ mới là một nửa của cuộc chiến lớn mà nghiên cứu này đã chỉ ra.” – Ông Mark Hoffman, chủ nhiệm Khoa Kĩ sư Xây dựng, Đại học New South Wales nói.

Dữ liệu lượng mưa sử dụng cho nghiên cứu được thu thập từ Mạng lưới Lịch sử Khí hậu Toàn cầu do Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ  điều hành, bao gồm các ghi chép của hơn 100.000 trạm khí tượng của 180 quốc gia. Dữ liệu các dòng chảy của sông được lấy từ hệ thống ghi chép Dữ liệu Dòng chảy Toàn cầu do Viện nghiên cứu Thủy học Liên Bang của Đức quản lý, dựa trên thông tin thu được hằng ngày hoặc hằng tháng về dòng chảy các con sông của hơn 9.300 trạm theo dõi của 160 quốc gia.

Gia Quyên (Theo Science Daily)

Tags:
CHIA SẺ