BVR&MT – Theo Ủy hội sông Mê Công (MRC), Chính phủ Đức vừa cam kết tài trợ bốn triệu euro (xấp xỉ 4,6 triệu USD) cho Ủy hội nhằm tăng cường hoạt động đối thoại, hợp tác về lập kế hoạch và quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới giữa 4 quốc gia hạ lưu gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam.
Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng trong giai đoạn ba năm, từ tháng 1/2019 tới tháng 12/2021 và được triển khai thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Ngư dân Campuchia đánh cá trên hồ Tonle Sap, Campuchia (Ảnh: Nhật Anh)Phần lớn khoản tài trợ này sẽ dùng để hỗ trợ hai dự án chung xuyên biên giới giữa Campuchia – Lào và Campuchia – Thái Lan với mục đích tăng cường hiểu biết và quản lý tài nguyên lưu vực sông Mê Công, đồng thời giải quyết các vấn đề về lũ lụt và hạn hán. Hai dự án này hiện đang ở giai đoạn thí điểm, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Ngoài ra, một phần tài trợ cũng sẽ được chuyển vào hệ thống tài chính mới của MRC – gọi là “quỹ chung” – để triển khai các hoạt động tổng thể theo kế hoạch chiến lược giai đoạn 2016-2020. Hệ thống này cho phép MRC sử dụng quỹ hiện có cho bất kỳ hoạt động ưu tiên nào của Ủy hội, qua đó giải quyết các nhu cầu phát sinh một cách kịp thời và nâng cao chất lượng hoạt động dự án để mang lại lợi ích cho hơn 65 triệu người dân trong lưu vực.
Ông Bertrand Meinier, Giám đốc Chương trình Hợp tác MRC-GIZ, chia sẻ: “Cam kết tài chính của chúng tôi hôm nay sẽ hỗ trợ thêm cho các nỗ lực phối hợp trong khu vực Mê Công của MRC để đảm bảo đối thoại liên tục và hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia sông Mê Công, đồng thời bảo vệ và quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mê Công”.
Từ năm 2003, tổng số tiền Chính phủ Đức tài trợ cho MRC lên tới 36 triệu USD, chủ yếu hỗ trợ các hoạt động chiến lược bao gồm cải cách thể chế, phát triển thủy điện bền vững, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giảm nhẹ lũ lụt và biến đổi khí hậu.
Dự kiến, thỏa thuận tài chính về khoản tài trợ mới này sẽ được Đức và MRC ký kết vào cuối năm nay.
Nhật Anh