BVR&MT – Quảng Trị có diện tích rừng hơn 248.189 ha, trong đó diện tích rừng trồng hơn 121.495 ha. Toàn tỉnh có hơn 26.136 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đây là điều kiện lý tưởng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến gỗ và hướng tới xuất khẩu, qua đó phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Lĩnh vực tiềm năng
Là đơn vị đi đầu lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất, những ngày này, không khí sản xuất tại Nhà máy sản xuất và chế biến gỗ Tiến Phong thuộc Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ hết sức khẩn trương để kịp thời giao hàng cho các đơn hàng đã ký kết. Các mặt hàng sản xuất tại nhà máy chủ yếu là đồ gỗ nội, ngoại thất như giường, tủ, bàn ghế ngoài trời và trong nhà, hàng gia dụng bằng gỗ.
Bình quân mỗi năm công ty chế biến khoảng 15.000 m3 gỗ nguyên liệu, xuất khẩu khoảng 400 container loại 40 feet. Thị trường của công ty chủ yếu là các nước châu Âu, Bắc Mỹ như Pháp, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Canada…; các chuỗi siêu thị nội thất như IKEA, Metro… Doanh thu hằng năm của công ty từ 160 – 170 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 400 công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo Phó Giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH Tiến Phong Cam Lộ Nguyễn Thị Minh Thu, để xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu, môi trường sản xuất. Tuân thủ đúng quy cách, mẫu mã theo từng đơn hàng của đối tác.
Cụ thể, nhằm đảm bảo nguồn liệu ổn định để sản xuất các sản phẩm bàn, ghế, đồ gỗ nội, ngoại thất, công ty đã ký hợp đồng với các đơn vị trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải đối với gỗ keo tràm; nhập thêm gỗ tếch có chứng chỉ FSC từ các nước Nam Mỹ như Brazil, Panama và châu Phi do ở Việt Nam loại gỗ này không đủ đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Đầu tư xây dựng nhà máy hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ như chứng nhận hợp quy (CoC), bộ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội trong kinh doanh (BSCI), sáng kiến quản lý chất lượng amfori (QMI).
Theo chị Thu, để sản phẩm từ gỗ rừng trồng của Việt Nam được thị trường châu Âu chấp nhận, công ty phải đạt chứng nhận BSCI. Đây là bộ chứng nhận thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, quan tâm đến sức khỏe và an toàn lao động, tạo ra những sản phẩm chất lượng để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, công ty còn tuân thủ nghiêm túc việc sản xuất theo đúng mẫu mã do phía đối tác đặt hàng. Đối với sản phẩm do chính công ty tạo mẫu, thiết kế thì phải gửi cho đối tác xem xét, kiểm duyệt và được đánh giá bởi một bên thứ 3 trước khi sản xuất hàng loạt.
“Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới về sản phẩm đồ gỗ hàng năm có sự cạnh tranh mạnh mẽ, để đứng vững trên thương trường và thu hút được khách hàng, doanh nghiệp chủ động đầu tư vốn nhằm hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát huy và khai thác tốt nhất thiết bị, công nghệ mới nhằm tăng nhanh sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu”, chị Thu khẳng định.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 53 nhà máy kinh doanh, sản xuất chế biến lâm sản được cấp phép đầu tư, trong đó có 41 nhà máy đang hoạt động gồm: 19 nhà máy dăm, 10 nhà máy ván ghép thanh, 3 nhà máy ván ghép thanh và dăm gỗ, 2 nhà máy ván lạng, 2 nhà máy viên nén, 2 nhà máy MDF, 2 nhà máy sản xuất đồ gỗ cưa xẻ, 1 nhà máy ván ghép thanh và viên nén. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 151 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản. Tổng công suất thiết kế trên 2,5 triệu tấn/ năm; công suất đang hoạt động khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
Trong những năm qua, lĩnh vực chế biến gỗ và thương mại lâm sản của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc về chiếm lĩnh thị trường trong nước. Đến nay, tỉ lệ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh là 46,55%, thị trường ngoài tỉnh là 53,45%.
Đặc biệt, trong tỉ lệ tiêu thụ ngoài tỉnh có khoảng 52% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, ngoài ra còn có các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU và Ấn Độ. Bên cạnh gỗ dăm, ngành công nghiệp chế biến gỗ bước đầu đã sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như gỗ MDF, ván ghép thanh, viên nén năng lượng và đồ gỗ xuất khẩu…
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chưa chủ động về nguồn nguyên liệu, chưa hình thành chuỗi sản xuất và thiếu tính ổn định, chưa đa dạng về sản phẩm. Trong đó, việc các cơ sở sản xuất dăm gỗ và có yếu tố dăm gỗ (dăm từ phụ phẩm gỗ chế biến) chiếm đa số đã ảnh hưởng đến tính bền vững của hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn.
Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và người trồng rừng cũng chưa chặt chẽ, chưa gắn kết với chuỗi giá trị. Sản phẩm gỗ chế biến chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp. Còn ít cơ sở chế biến gỗ tại tỉnh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài…
“Chìa khóa” giúp xuất khẩu lâm sản bền vững
Với quan điểm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai công tác hỗ trợ việc liên doanh, liên kết giữa cơ sở chế biến gỗ với người trồng rừng để thực hiện việc cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Ngành nông nghiệp cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, vận động người trồng rừng không khai thác rừng trồng khi chưa đến tuổi. Thực hiện việc thâm canh rừng trồng gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 đơn vị tham gia thực hiện quản lý rừng bền vững được cấp chứng chỉ FSC với tổng diện tích 26.136,56 ha. Kết quả này đưa Quảng Trị trở thành một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức và mô hình nhóm hộ gia đình.
Trong phát triển trồng rừng gỗ lớn, đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 18.050 ha. Quảng Trị cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được cấp chứng chỉ FSC đối với rừng tự nhiên.
Theo đó, vào tháng 10/2022, 2.145 ha rừng tự nhiên của 5 thôn tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh, huyện Hướng Hóa được cấp chứng chỉ FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon với trữ lượng lưu trữ tại các diện tích rừng này khoảng 350.000 tấn CO2 và lượng hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC giữa các chủ rừng với doanh nghiệp có chứng chỉ CoC như: Công ty chế biến gỗ Thu Hằng, Công ty Nguyên Phong, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Scansia Pacific (TP. Hồ Chí Minh) ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các hợp tác xã nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10%- 12%.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn có một số mô hình liên kết sản xuất gỗ rừng trồng với vai trò dẫn dắt của các hợp tác xã (HTX) có hợp đồng liên kết đầu ra với doanh nghiệp chế biến. Điển hình như mô hình liên kết giữa HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn với Công ty TNHH MTV Gỗ Nguyên Phong được thực hiện năm 2023 với quy mô thỏa thuận liên kết 423,5 ha. Theo đó năm 2023 trồng mới 89 ha cây keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, tiến tới mở rộng liên kết vùng nguyên liệu đạt diện tích 2.000 ha vào năm 2026.
Kết quả của quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình thông qua vai trò của HTX đã hình thành các khu rừng trồng cung cấp lâm sản, giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu. Đồng thời tạo điều kiện cho người trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định được giá bán gỗ, từng bước ổn định và nâng cao đời sống.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước cho biết, để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Hỗ trợ các công ty lâm nghiệp, các chủ rừng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh duy trì diện tích rừng đã được chứng chỉ quản lý rừng bền vững, thay đổi tư duy, kế hoạch kinh doanh rừng từ trồng rừng nguyên liệu dăm gỗ sang trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ kinh doanh dài nhằm nâng cao giá trị gia tăng của cây gỗ rừng trồng, góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất lâm nghiệp nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển. Kêu gọi, hỗ trợ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các nhà máy chế biến gỗ theo hướng tăng chế biến tinh, giảm nhà máy băm dăm, chế biến thô gỗ nguyên liệu.
“Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng các chuỗi liên kết theo hướng có đơn vị thu mua khai thác sơ chế, nhà máy chế biến thô, nhà máy chế biến tinh, công tác thị trường, mẫu mã sản phẩm. Hỗ trợ nguồn lực, máy móc, trang thiết bị cho các HTX có đủ năng lực, nhu cầu tham gia các dịch vụ khai thác, tỉa thưa, vận chuyển, sơ chế gỗ rừng trồng. Trong đó, HTX là trung tâm chuỗi liên kết sản phẩm gỗ rừng trồng từ các khâu sản xuất cây giống, trồng, thu hoạch, chế biến, thương mại lâm sản”, ông Phước thông tin.