Dự án khai thác gần 750 ha rừng trồng Thông ở Lâm Đồng: Hội được các điều kiện cần và đủ

BVR&MT – Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, có những nhìn nhận trái chiều về dự án khai thác gần 750 ha rừng trồng Thông (RTT) 3 lá ở tỉnh Lâm Đồng. Để làm sáng tỏ nội dung này, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với ông Võ Danh Tuyên – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng.

Đâu là những căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học ?

Liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty, lâm nghiệp có Nghị quyết 30-NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ; Thông tư 02/2015/TT-BNNPTNT ngày 27/01/2015 của Bộ NN&PTNT. Đối với công ty lâm nghiệp ở Lâm Đồng, còn có Văn bản 2210/TTg-ĐMDN ngày 04/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1804/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng… Việc khai thác trắng rừng trồng Thông 3 lá giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28/6/2016 của Bộ NN&PTNT; Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 01/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 5353/UBND-LN, ngày 16/8/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Văn bản số 1509/SNN-KH ngày 04/8/2017 của Sở NN&PTNT Lâm Đồng…  

Tại Quyết định số 49/QĐ-TTg nêu trên, Quy chế quản lý rừng sản xuất quy định về khai thác và tận dụng, có nội dung: “Chủ rừng quyết định về phương thức khai thác, độ tuổi khai thác để đảm bảo mục tiêu kinh doanh và hiệu quả kinh tế của rừng trồng”. Tại Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ NN&PTNT “Phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020” ghi: 02 loài cây trồng rừng sản xuất kinh doanh (SXKD) gỗ thì cây Thông 3 lá có chu kỳ kinh doanh trên 15 năm.

Quản lý bảo vệ rừng trồng Thông 3 lá ở Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Ở Lâm Đồng, thời gian qua đã triển khai thực hiện quy trình tỉa thưa đối với RTT như sau: mật độ trồng 3.300 cây/ha; tỉa lần 1 (tuổi 7-9) còn 1.600 cây; lần 2 (11-13 tuổi) còn 800 cây và cuối cùng mới đến chặt trắng (tuổi từ 20-25). Ông Võ Danh Tuyên cho rằng: “Thực tiễn RTT 3 lá có thời gian sinh trưởng và phát triển dài (trên 70 năm), thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất trước 25 tuổi, qua thời gian này sự tăng trưởng bắt đầu chậm lại. Do đó, để đảm bảo tính hiệu quả trong trồng rừng kinh tế, chu kỳ kinh doanh gỗ lớn đối với RTT 3 lá trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khoảng 25 năm là phù hợp nhất, cho hiệu quả cao nhất”.

Được biết, địa bàn Lâm Đồng hiện có 532.634 ha rừng, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất Thông 3 lá là 56.198 ha; riêng loại từ 25 tuổi trở nên (tính đến năm 2020) là trên 4.451 ha. Theo phê duyệt của UBND tỉnh về kế hoạch khai thác trắng từ 2017-2020 với tổng diện tích 746,74 ha RTT 3 lá, độ tuổi từ 25 năm trở lên chỉ chiếm 16% và chiếm 1,33% (đối với tổng RTT nói chung). Đặc biệt, cần nhấn mạnh, giao cho 05 công ty lâm nghiệp là đơn vị chủ rừng khai thác theo hình thức cuốn chiếu, có phân kỳ cụ thể, rõ ràng tại một số tiểu khu trên địa bàn của 03 huyện: Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm. 

Hiệu quả và những tác động như thế nào ?

Căn cứ những cơ sở nêu trên, ngày 02/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đã chủ trì làm việc về chủ trương khai thác trắng RTT 3 lá; cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S, lãnh đạo các Sở, các UBND huyện, các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Ban quản lý rừng (BQLR) liên quan. Chủ tịch Đoàn Văn Việt kết luận và chỉ đạo: Kế hoạch khai thác trắng RTT 3 lá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 đã được Sở NN&PTNT phối hợp các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, các BQLR trên địa bàn rà soát cụ thể về diện tích, tuổi rừng trồng, lộ trình khai thác, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và kế hoạch SXKD của các đơn vị chủ rừng.

Gỗ Thông sau khai thác chỉ được cung cấp cho các doanh nghiệp trong tỉnh tinh chế.

Với tổng diện tích khai thác được phê duyệt nêu trên, trữ lượng gỗ đạt khoảng 103.440 m³. Nếu đơn giá 1,6 triệu đồng/m³, doanh thu gỗ tròn sẽ đạt hơn 165,5 tỷ đồng; bình quân 222 triệu đồng/ha. Trừ các khoản chi phí như khai thác, thiết kế, thẩm định, trồng lại rừng…, lợi nhuận trước thuế gần 53,4 tỷ đồng. Toàn bộ số gỗ tròn sau khai thác tuyệt đối không được bán, vận chuyển ra ngoài tỉnh; ưu tiên bán cho các doanh nghiệp tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tại văn bản số 5353 nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo về quy trình khai thác trắng rừng trồng thực hiện theo Thông tư số 21/2016 của Bộ NN-PTNT, quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản…Cùng đó, yêu cầu 05 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp có diện tích được phê duyệt khai thác trắng (Đơn Dương, Tam Hiệp, Bảo Thuận, Di Linh và Bảo Lâm) trước khi thực hiện khai thác phải thông báo công khai kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, khai thác tới đâu trồng rừng ngay tới đó, không tổ chức khai thác khi chưa chuẩn bị về giống và các điều kiện cần thiết để trồng lại rừng. Mặt khác, khai thác theo đám cục bộ, theo băng, không khai thác dàn trải; khai thác trước ngày 30/6 phải trồng lại ngay trong năm, khai thác sau 30/6 phải trồng rừng lại ngay trong vụ năm sau liền kề và hoàn thành trước ngày 30/8 năm đó. Rừng trồng sau khai thác phải thâm canh; giống có năng suất và chất lượng cao theo mục đích kinh doanh gỗ lớn, có hiệu quả kinh tế cao; phải được quản lý chặt chẽ; không chuyển đổi sang trồng các loại cây khác hoặc chuyển đổi sang mục đích khác. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch khai thác và trồng lại rừng nêu trên.  

Với sự chỉ đạo chặt chẽ như trên, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Võ Doanh Tuyên khẳng định rằng: “Ngoài hiệu quả về kinh tế, chủ trương khai thác trắng RTT 3 lá ở Lâm Đồng (diện tích nhỏ hơn 50 ha/01 tiểu khu) việc khai thác này chỉ ảnh hưởng đến môi trường cục bộ khu vực khai thác, không làm ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực. Về mặt xã hội, ngoài đảm bảo nguồn nguyên liệu, tạo nhiều việc làm cho người lao động thông qua các hoạt động như khai thác, trồng rừng, chăm sóc quản lý bảo vệ, chế biến lâm sản…còn góp phần ổn định an ninh trật tự”. Ông Tuyên cũng phân tích, tính toán kỹ các thông số về độ che phủ rừng nếu khai thác RTT 3 lá đến năm 2020 vẫn đảm bảo đạt tỷ lệ 55% như chủ trương của tỉnh đề ra.

Rừng Thông 3 lá trên địa bàn thành phố Đà Lạt không thuộc diện khai thác.

Chủ trương khai thác trắng rừng trồng SXKD ở Việt Nam đã triển khai thực hiện tại nhiều địa phương từ hàng chục năm nay. Đây là tư duy đúng về quy hoạch các loại rừng, đặc biệt đối với Thông 3 lá là rừng thứ sinh. Vấn đề là quan tâm đến các tiêu chí đảm bảo về phòng hộ, cảnh quan môi trường, hiệu quả phát triển kinh tế, giải quyết việc làm…UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình và kết quả thực hiện. Có thể hiểu, chủ trương khai thác trắng 746,74 ha RTT 3 lá trong 05 năm (2017-2020) với độ tuổi 25 năm trở lên (vượt cả tuổi của mà Bộ NN&PTNT cho phép) đã được tỉnh Lâm Đồng bàn thảo kỹ lưỡng, chỉ đạo chặt chẽ và đang theo sát.

CTV Tĩnh Xuyên