Dự án REDD+ Mường Khương: Tham quan, khảo sát các mô hình sinh kế của VIFA

BVR&MT – Tháng 3/2016 vừa qua đoàn công tác của VIFA đã tổ chức tham quan, khảo sát thực tế các mô hình sinh kế nằm trong khuôn khổ của dự án REDD+ tại xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Với mục đích giám sát định kỳ, hỗ trợ kỹ thuật và giải quyết những khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án REDD+ đối với cộng đồng thôn bản xã Tả Ngải Chồ sau hơn một năm đi vào hoạt động, đoàn công tác với sự tham gia của KS. Đỗ Văn Nhuận, PCT/Tổng Thư ký VIFA – Trưởng đoàn, TS. Hoàng Văn Hiện, đại diện nhóm chuyên gia của VIFA, bà Giàng Seo Tỉn, cán bộ phụ nữ xã Tả Ngải Chồ đã đến thăm 08 gia đình nằm trong khuôn khổ dự án và ghi nhận những kết quả bước đầu.

Cụ thể đoàn công tác đã khảo sát tại 3 mô hình gà của các hộ: ông Háng Seo Dìn, ông Háng Sủng Dìn, ông Giàng Seo Pháo; 3 mô hình lợn của các hộ: ông Thào Seo Sèo, ông Thào Seo Vừ, ông Ly Sín Hồng; và 2 mô hình hồi của các hộ: ông Thào Seo Chứ, ông Lý Seo Sẩu.

Tả Ngải Chồ là một trong những xã vùng biên thuộc diện khó khăn của huyện Mường Khương. Với đặc thù 100% người dân bản địa là đồng bào dân tộc Mông, lâu nay vẫn sinh kế gắn bó mật thiết với rừng thì việc nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng lại càng phải chú trọng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Dự án tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (hay còn gọi là REDD+) được VIFA tổ chức và thực hiện từ tháng 01/2015 tại xã Tả Ngải Chồ được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tốt, trở thành mô hình điểm để nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.

Mô hình chăn nuôi gà Mường Khương: Gia đình ông Háng Seo Dìn: số lượng con giống nhận là 50 con, hiện tại chết 01 con còn lại 49 con, tình hình phát triển tốt, không có dịch bệnh, con nhỏ nhất nặng 1,5 kg, con lớn nhất nặng 2,5 kg.

Gia đình ông Háng Sủng Dìn: số lượng con giống nhận là 50 con, tình hình phát triển tốt, con nhỏ nhất nặng 1kg, con lớn nhất nặng 3kg, thức ăn gia đình mua 270.000 đồng/bao, trộn với ngô tỉ lệ 70% ngô, 30% cám.

Gia đình ông Giàng Seo Pháo: số lượng con giống nhận là 50 con, hiện tại chết 05 con còn lại 45 con, tình hình phát triển tốt, con nhỏ nhất nặng 1,2 kg, con lớn nhất nặng 2,5kg.

Mô hình chăn nuôi lợn Mường Khương: thực hiện tại thôn Bản Phố với sự tham gia của 10 hộ. Gia đình ông Thào Seo Sèo được nhận 01 con lợn nái giống để nuôi với trọng lượng 11 kg, khoẻ, mầu đen, từ ngày nhận đến nay đã lớn khoảng 25 kg, ăn và phát triển bình thường. Trước khi nhận đã được bình chọn tại thôn và được tham gia tập huấn.

Gia đình ông Thào Seo Vừ được nhận 01 con lợn nái giống để nuôi với trọng lượng 12 kg, khoẻ, mầu đen, từ ngày nhận đến nay đã lớn khoảng 28 kg, ăn và phát triển bình thường. Con lợn này đã được phối giống, con đực phối lấy ở bên nhà ông ngoại. Trước khi nhận giống nuôi, gia đình đã đăng ký và được thôn bình chọn và được tham gia tập huấn kỹ thuật. Gia đình rất hài lòng với sự quan tâm và cách làm của dự án.

Gia đình ông Ly Sín Hồng nhận 01 con lợn nái giống để nuôi với trọng lượng 10 kg, mầu đen. Lúc nhận lợn khoẻ và ăn bình thường, sau 10 ngày thấy ăn ít dần do bị tiêu chảy. Gia đình không báo cho trưởng thôn và Ủy ban xã biết. Sau đó Trưởng thôn phát hiện và đã cùng ông Dư cán bộ dự án và ông Biên cán bộ xã đã xuống gia đình để lập biên bản. Qua trưởng thôn báo cáo, 07 hộ còn lại lợn phát triển bình thường, đồng thời yêu cầu dự án tạo điều kiện cho mua một con đực để chủ động phối giống.

Mô hình trồng cây Hồi: Gia đình ông Thào Seo Chứ, thôn Tả Lủ nhận được 1.000 cây giống, trồng ở 03 nơi. Hiện tại cây phát triển tốt, chết khoảng trên 10 cây/1000 cây, nguyên nhân chưa xác định được.

Gia đình ông Lý Seo Sẩu, Thôn tả Lủ nhận được gần 1000 cây giống, trồng ở 02 nơi. Hiện tại chết khoảng 20 cây/1000 cây, nguyên nhân không rõ, chỉ thấy cây khô và chết dần. Gia đình chưa được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây rừng nên còn nhiều vấn đề bỡ ngỡ, chưa có các biện pháp chăm sóc cụ thể nào. Từ khi gia đình trồng mô hình đã có 01 đợt kiểm tra của cán bộ xã và dự án. Gia đình đã làm hàng rào xung quanh khu vực trồng Hồi để bảo vệ khỏi gia súc vào phá, gia đình có đặt câu hỏi sau này dự án có hỗ trợ về vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua chuyến thăm quan và khảo sát thực tế, nhóm chuyên gia của VIFA đã đưa ra tổng kết tập trung vào giải quyết 04 nội dung chính bao gồm: 1) Cần theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch BV&PTR chặt chẽ hơn; 2) Sớm triển khai công việc chuẩn bị cho mô hình trồng ngô: làm đất, chuẩn bị giống,… và theo dõi , nhắc nhở chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đối với các mô hình; 3) Sớm triển khai việc giải ngân quỹ phát triển sinh kế cộng đồng; 4) Nhóm chuyên gia thường xuyên bám sát hiện trường và báo cáo với Ban điều hành kịp thời.

Trong thời gian tới, nhóm chuyên gia sẽ thực hiện và các bước tiếp theo trong khuôn khổ dự án đó là: Tiếp tục chăm sóc và theo dõi các mô hình đã thực hiện; Thực hiện mô hình trồng Ngô; Triển khai việc giải ngân quỹ phát triển sinh kế.

Một số hình ảnh tham quan, khảo sát mô hình sinh kế thuộc dự án REDD+ xã Tả Ngải Chồ, Mường Khương, Lào Cai: