BVR&MT – Đến nay, các nhà vườn trồng xoài trong tỉnh Đồng Tháp được cấp 327 mã số vùng trồng xoài góp phần kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có gần 6.000 ha được cấp mã số vùng trồng xoài, nhiều nhất là ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng xoài của tỉnh đạt hơn 14.000 ha, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng. Các giống xoài chủ lực gồm: xoài cát Chu, Cát Hòa Lộc, tượng da xanh… Xoài cấp mã vùng trồng được xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, EU…
Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh”; năm 2019 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Nổi bật nhờ nâng cao chất lượng, mã vùng trồng xoài ở Đồng Tháp nên xuất khẩu xoài ra nước ngoài thuận lợi. Năm 2019 tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên gồm xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, tượng da xanh xuất sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không. Toàn bộ số xoài được lựa chọn kỹ lưỡng và đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngày 19/2/2022 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp vừa xuất lô xoài đầu tiên sang thị trường Hà Lan với số lượng 3 tấn xoài cát Chu. Đa số xoài xuất khẩu đều đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Mách, Hợp tác xã xoài ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết, diện tích cấp mã vùng trồng xoài của xã hơn 27 ha. Riêng gia đình ông có hơn 8.000 mét vuông xoài có số tuổi từ 20-28 năm, đa số là giống xoài cát Chu được cấp mã số vùng trồng. Nhờ đó, xoài được tiêu thụ nhanh.
Tỉnh Đồng Tháp đang kết nối với các doanh nghiệp Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Cánh Cổng Vàng, Công ty TNHH Westemfarm… thu mua sản phẩm tại các mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Australia, Trung Quốc… Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Điền cho biết, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh thực hiện 100% diện tích vùng trồng cây ăn trái; trong đó, có xoài tập trung được cấp mã số vùng trồng; thực hành sản xuất an toàn. Hằng năm tỉnh tăng 10% diện tích đạt chứng nhận GAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn; thực hành sản xuất hữu cơ tăng 1% diện tích sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.