Doanh thu từ trang trại đạt trên 8 nghìn tỷ đồng

BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.830 trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Từ đầu năm đến nay, doanh thu của các trang trại đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 43% GDP ngành nông nghiệp của tỉnh.

Trang trại sầu riêng tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Thời gian qua, các trang trại của địa phương cũng đang từng bước giảm dần được tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hầu hết các trang trại đều ứng dụng khoa học – công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Trong đó, có những trang trại trồng cây ăn trái như sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh… đã thu lợi nhuận từ 800 đến 900 triệu đồng/ha/năm.

Các trang trại chăn nuôi, trồng trọt ở Đồng Nai phần lớn tập trung ở các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú và thị xã Long Khánh… Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện tỉnh đang tiến hành cấp giấy chứng nhận trang trại cho các trang trại trên địa bàn nhằm hỗ trợ các chủ trang trại thực hiện sản xuất theo hướng an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm để tiến tới sản xuất theo chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể khẳng định, những năm gần đây, kinh tế trang trại của Đồng Nai đã có vị thế quan trọng trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các trang trại đã đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn, bình quân 6,6 ha/trang trại, qua đó giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Đồng Nai là địa phương đang đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế trang trại, theo đó đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh áp dụng quy trình kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp: VietGap trong trồng trọt, VietGAHP trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt chuẩn GlobalGAP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh, đưa bộ mặt nông nghiệp nông thôn ngày một khởi sắc.