BVR&MT – Theo Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến, thời gian qua doanh nghiệp như “lò xo nén”, giãn cách nới lỏng sẽ bung ra. Đó là cơ hội phát triển cho tất cả ngành nghề.
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021 là 90.291 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, 85% doanh nghiệp không hoạt động bình thường được, chỉ có 15% doanh nghiệp duy trì hoạt động bình thường.
Tại tọa đàm “Mặt trời ló dạng nơi đâu” do Hội doanh nhân trẻ Tp.HCM (YBA) kết hợp Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) tổ chức tối 14/10, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom cho biết dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp “ngủ đông”, đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch, hàng không… FPT Telecom nằm trong nhóm duy trì hoạt động dù vẫn bị ảnh hưởng.
Ông Tiến đánh giá thời gian vừa rồi doanh nghiệp như “lò xo nén”, bị ép chặt ở mọi điều kiện, thời gian tới khi giãn cách nới lỏng sẽ bung ra. Một số sẽ muốn đi du lịch sau những ngày ở nhà, một số muốn về quê… Như vậy, họ sẽ cần những ngành dịch vụ trở lại. “Đó là cơ hội để phát triển cho tất cả các ngành nghề”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Thái Phiên – Phó Tổng Giám đốc Đầu tư và Tài Chính Tập đoàn NovaGroup đồng tình và cho rằng mỗi doanh nghiệp đều là một chiếc xe đua. Họ sẽ tăng tốc và vượt lên ở những khúc cua chứ không phải đoạn đường thẳng. “Dịch Covid-19 là khúc cua mà các doanh nghiệp sẽ vượt qua”, ông nói.
Doanh nghiệp “vượt khó” trong dịch
Còn ông Trần Ngọc Thái Sơn – Chủ tịch HĐQT Tiki lại cho rằng bên cạnh nhóm khách hàng muốn đi chơi, mua sắm… sau dịch, có nhóm khách hàng khác phải tiết kiệm và chỉ mua nhu yếu phẩm do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch. Đánh giá xem khách hàng cần gì là điều doanh nghiệp cần làm lúc này.
Ông Sơn cho biết quãng thời gian vừa rồi hơn một nửa nhân viên Tiki không thể đi làm do giãn cách. Tiki hoạt động ở lĩnh vực thương mại điện tử, phải vận hành số lượng nhân viên và kho bãi lớn. Tuy nhiên, nhiều kho không thể hoạt động do không duy trì được mô hình “3 tại chỗ” và thiếu nhân viên đóng hàng.
Ông Sơn cho biết trước khi có dịch Covid-19, Tiki đã mua robot để ứng dụng quy trình kho vận. “Thời điểm đó nhiều người bảo mua robot làm gì. Tuy nhiên, chính ứng dụng robot tự động vào logistics hiện nay lại được đánh giá cao. Robot tại kho vận Tiki không thay thế nhân công, mà làm việc, tương tác và hỗ trợ con người trong các nhiệm vụ khó khăn”, ông Sơn nói.
Ông Hoàng Nam Tiến cho biết FPT Telecom cũng gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Theo ông Tiến, hàng hóa, thiết bị công ty đặt từ nước ngoài về Việt Nam chậm. Trước đây, thiết bị mất 3-4 tuần để nhận nhưng giờ phải mất tới 8 tuần. Điều này khiến FPT Telecom lỡ hẹn với khách hàng bởi nhiều hãng không cam kết được thời hạn giao hàng. Chưa kể, lĩnh vực của FPT Telecom thiên về công nghệ cao, cần nhiều chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, chi phí về Việt Nam cao và mất một khoảng thời gian cách ly khiến nhiều chuyên gia không đến nữa.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong nước. Thứ nhất, ông đánh giá Việt Nam xảy ra tình trạng “trên thông nhưng dưới tắc”. Quyết định Nhà nước ban hành dù quyết liệt, mạnh mẽ nhưng theo sau đó là nhiều chính sách, “giấy phép con” của mỗi địa phương. Thứ hai là thiếu hụt lực lượng lao động. Lượng sinh viên mới ra trường cần thực tập để học hỏi nhưng không thể do giãn cách. Cuối cùng, tâm lý khách hàng bị ảnh hưởng và có thể thay đổi nhu cầu sau dịch.
Ông Nguyễn Thái Phiên cho biết, hiện NovaGroup đang đầu tư ở 3 lĩnh vực, gồm: Novaland (bất động sản), Nova Services (thương mại, dịch vụ, hệ sinh thái NovaGroup), Nova Consumer (nông nghiệp, hàng tiêu dùng) và đang phát triển thành tập đoàn đa ngành.
“NovaGroup giống một cơ thể lớn. Chiến lược của chúng tôi thời gian qua là cộng sinh với các doanh nghiệp nhỏ, đồng hành cùng nhau, trở thành cổ đông để giảm bớt các thủ tục, cho cơ thể nhẹ nhàng hơn”, ông nói.
Theo ông Phiên, thời gian vừa rồi có nhiều thông tin liên quan đến việc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển khỏi Việt Nam. Ông Phiên đánh giá các đơn hàng đặt tại Việt Nam có thể đã chuyển đi, tuy nhiên chỉ là các đơn hàng dịp cuối năm do người dân nước ngoài nghỉ lễ. “Các doanh nghiệp chưa rút khỏi Việt Nam, việc rút thời điểm này tốn rất nhiều thời gian và chi phí”, ông nói.
Ngoài ra, trước thông tin lượng lao động lớn rời Tp.HCM, ông cho biết các tỉnh cũng chưa có đủ khả năng cho một lượng người lớn người tìm công việc mới. “Chẳng hạn, nhiều công nhân miền Tây tại Tp.HCM vừa rồi về quê. Tuy nhiên, miền Tây đang đứng trước biến đổi khí hậu, cơ hội làm nông nghiệp như trước đây sẽ không còn”, ông nói. Ông tin họ sẽ quay trở lại trong vài tháng tới.
“Chuyển đổi số càng nhiều, khả năng phục hồi càng lớn”
Ông Hoàng Nam Tiến cho biết doanh nghiệp cũng cần được tiêm vắc-xin giống người dân. FPT đang triển khai Chương trình FPT eCovax với kỳ vọng giúp các doanh nghiệp bổ sung “kháng thể” cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch trong quản trị, vận hành, kinh doanh, bán hàng… hướng tới doanh nghiệp xanh. Các giải pháp số này sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.
Đặc biệt, theo ông Tiến, có 4 yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp thời điểm này. Thứ nhất là công tác chỉ huy doanh nghiệp. Thứ hai là vai trò của người lãnh đạo trong doanh nghiệp. Tiếp đến là văn hóa doanh nghiệp. Ông Tiến cho biết khi một doanh nghiệp từ ông chủ đến người công nhân đều cùng làm việc với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ hoạt động tốt dù trong hoàn cảnh nào. Ông cho biết FPT thời điểm đỉnh dịch đã có lúc 1000 nhân viên trên tổng số 1600 nhân viên ở Tp.HCM là F1 nhưng vẫn có thể hoạt động thay vì ngưng trệ.
Cuối cùng, ông Tiến cho rằng việc ứng dụng công nghệ sâu, rộng sẽ giúp quản trị tốt và duy trì được doanh nghiệp dù có dịch.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng cho rằng các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số càng nhiều, khả năng phục hồi càng lớn.
Ông đánh giá dịch Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số. Trước đây, ngành bán lẻ chỉ chiếm 25% trên sàn thương mại điện tử, còn lại chủ yếu bán kiểu truyền thống tại các chợ, siêu thị… Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, xu hướng mua hàng trên kênh thương mại điện tử đã tăng, Tiki thậm chí đã đưa hàng tươi sống như thịt, rau… lên trang bán trực tuyến và nhận được nhiều đặt hàng.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết bản chất Tiki là công ty công nghệ và đang muốn thử nhiều thứ. “Thời điểm vừa rồi, chúng tôi thấy công nghệ nào hay cũng muốn thử, điều này gây nhiều rủi ro nên phải biết cách cân đối”, ông Sơn nói.
“Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bản chất họ uyển chuyển, nhanh nhạy nên sẽ ứng dụng tốt chuyển đổi số trong kinh doanh. Họ sẽ tận dụng những điều họ học được trong dịch và xoay xở tốt”, ông Sơn cho hay.
Ông Nguyễn Thái Phiên lại cho biết, cái bẫy lớn nhất của doanh nghiệp là tự thoả mãn những gì làm được. Theo ông, đầu tư có thể xảy ra nhiều sai lầm, người lãnh đạo phải duy trì “tính thực chiến” và khao khát để có thể vượt qua.
Cũng theo ông, các doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm càng lớn. Doanh nghiệp lớn không chỉ phục vụ cho bản thân mà còn cho xã hội, cộng đồng. “Tôi nghĩ việc các doanh nghiệp cộng sinh, hỗ trợ nhau sẽ là xu hướng tương lai”, ông Phiên nói.