BVR&MT – Góp ý cho Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, một số vườn quốc gia và các tổ chức bảo tồn tham dự Hội nghị công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2018 tổ chức tại Quảng Bình trong ba ngày từ 20-22/11/2018 đề nghị cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm liên quan đến nội dung bảo vệ rừng thay vì chỉ phạt cảnh cáo.
Trước đó, ngày 11/7/2018, Bộ NN&PTNT ban hành Văn bản số 5229/BNN-TCLN về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Dự kiến Nghị định được ban hành trong năm 2019 và thay thế Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 cùng Điều 3 Nghị định 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Trong ngày 22 và 23/11/2018, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã và Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh lần lượt gửi văn bản góp ý tới Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Bộ Tư Pháp đề nghị sửa đổi một số điểm thuộc khoản 1, 2, 3, 4 Điều 17, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Khoản 1, Điều 17 Dự thảo quy định “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi a) vào rừng mà chưa được sự đồng ý của ban quản lý rừng đặc dụng, b) lập lán trại trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng khi chưa được sự cho phép của chủ rừng”. Tuy nhiên, hai Trung tâm bảo tồn cho rằng việc lập lán trại trái phép trong rừng luôn đi kèm với việc chặt cây, chặt gỗ và săn bắt động vật hoang dã và điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tài nguyên rừng cũng như đa dạng sinh học, do đó, cần xử lý nghiêm hành vi này thay vì chỉ phạt cảnh cáo.
Thứ hai, Khoản 2, 3, 4, Điều 17 Dự thảo quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong trong các hành vi vi phạm sau: a) Mang từ 1 đến 100 dụng cụ thủ công vào những khu rừng có quy định cấm săn bắt; d) Sử dụng từ 01 đến 100 công cụ hoặc mang từ 101 đến 200 công cụ săn bắt động vật rừng ở những khu rừng có quy định cấm săn bắt; g) Mang chó săn, các con vật phục vụ đi săn hoặc mang chó vào rừng khi chưa được chủ rừng cho phép ở những khu rừng có quy định cấm săn bắt; h) Sử dụng trên 100 công cụ hoặc mang trên 200 công cụ săn bắt động vật rừng ở những khu rừng có quy định cấm săn bắt. Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã cho rằng các quy định này không đủ sức răn đe vì mức phạt quá thấp, đặc biệt nếu không triệt phá được các hoạt động bẫy, bắt động vật thì Việt Nam sẽ đối diện với việc tuyệt chủng hàng loạt các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong thời gian gần nhất.
Phía Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cũng cho rằng trong khi Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 đa số đều tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm đến động thực vật hoang dã nhằm răn đe thì dự thảo Nghị định này lại giảm nhẹ hình thức phạt và mức phạt.
Do đó, hai Trung tâm đề nghị cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vào rừng và lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng vào dự thảo Nghị định; bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi mang dụng cụ thủ công vào săn bắt động vật hoang dã tại khác khu rừng cấm săn bắt theo hướng nâng định mức phạt cao hơn quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP; bổ sung các quy định xử phạt tăng nặng với các hành vi mang và sử dụng bẫy, dụng cụ săn bắt, chó săn vào khu vực rừng cấp săn bắt với số lượng lớn.
PV