Hiệu quả mô hình VAC trong công tác xóa đói giảm nghèo 2016 – 2020

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Với chiều dài lịch sử phát triển nông nghiệp đa dạng, nền nông nghiệp nước ta từ chỗ đơn thuần chỉ sản xuất để cung cấp nhu cầu lương thực phục vụ trong nước là chính giờ đây còn góp phần xóa đói giảm nghèo và góp phần phát triển vào nền kinh tế trong nước và xuất khẩu.

Để có sự đánh giá khách quan về hiệu quả của mô hình VAC trong công tác xóa đói giảm nghèo, phóng viên (PV) Bảo vệ Rừng và Môi Trường điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông: Bùi Sỹ Tiếu, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam.

PV: Xin ông cho ý kiến đánh giá về kết quả thực hiện mô hình VAC trong những năm gần đây?

Ông Bùi Sỹ Tiếu: Với nhiều ưu thế, mô hình VAC đã và đang đóng góp không nhỏ trong việc giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, mô hình này đang từng bước chứng minh được sự bền vững của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ vậy, nhiều diện tích đồi núi trọc, vùng cát khô hạn, vùng mặn phèn, vùng trũng, vùng đất khó khăn đã được cải tạo thành những mô hình VAC với hiệu quả kinh tế rất cao. Trước đây, nền nông nghiệp nước ta được đánh giá là lạc hậu và phát triển chậm chạp, mang tính tự phát, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng không cao và chất lượng kém so với các nước trong khu vực, đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Sỹ Tiếu, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam chia sẻ về hiệu quả từ mô hình VAC trong công tác xóa đói giảm nghèo.

PV: Xin ông cho biết Hội làm vườn Việt Nam đã thực hiện chủ trương, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp như thế nào?

Ông Bùi Sỹ Tiếu: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ về Việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình Mục Tiêu Quốc Gia, Hội Làm vườn Việt Nam đã nhận rõ việc phát triển kinh tế VAC, gia trại VAC, trang trại VAC được xác định là một giải pháp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Từ chỗ vận động nhân dân xóa bỏ vườn tạp, ao hoang, đất trống, đồi núi trọc để trồng, nuôi những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 150.000 các trang trại mô hình VAC khác nhau, không chỉ góp phần xóa bỏ “Vườn tạp, ao hoang, đất trống” (đã cải tạo được 85% vườn tạp trên cả nước). Đặc biệt, mô hình VAC không chỉ có ở nông thôn mà ngày càng được cư dân đô thị đón nhận với sự sáng tạo những mô hình mới, như: Vườn cảnh, sinh vật cảnh, vườn chậu, vườn giàn…

Mô hình VAC không chỉ giúp người dân có cuộc sống no đủ mà còn xóa được “cái đói”, giảm được “cái nghèo”, từng bước đi lên làm giàu.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về một số thành tựu người dân đã đạt được từ khi thực hiện mô hình VAC góp phần xóa đói giảm nghèo cho gia đình mình?

Ông Bùi Sỹ Tiếu: Trong quá trình phát triển VAC, nhiều nhà vườn đã có những sáng tạo trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành nhân tố mới trong phát triển sản xuất. Ví dụ như việc tạo hình cho trái dưa (dưa hấu có hình thỏi vàng, có chữ tài, chữ lộc…), trái bưởi (bưởi có hình hồ lô, bưởi hình bàn tay phật…) hay như ghép cây để tạo nên một cây với 5 -7 loại quả, ghép nhãn trên vải… Nhiều nhà vườn đã được các địa phương vinh danh là công dân kiểu mẫu. Không chỉ có nhà vườn giỏi, nhiều làng vườn đã xuất hiện.

Nhiều loại cây ăn quả đã được xuất khẩu ra các nước trên thế giới.

Không chỉ giảm được đói, xóa được nghèo mà còn tiến tới làm giàu

Trước đây ở nước ta tồn tại nhiều vườn hoang, ao tạp, trồng các loại cây tạp, mô hình VAC được thực hiện với quy mô vài chục mét vuông chủ yếu nằm trong khuôn viên gia đình. Nay đã mở rộng quy mô trang trại ra hàng ngàn hecta, đầu tư, bổ sung kiến thức, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng trọt VAC, các hộ có thể thuê nhân công làm việc tại các trang trại, vận động người dân thay thế bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi.

Từ đó không chỉ có cuộc sống no đủ, mà còn xóa được đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế làm giàu thông qua việc bán các loại cây ăn quả. Điều này đã góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân, giúp người nông dân các địa phương không chỉ giảm được đói, xóa được nghèo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của gia đình. Thực tế những năm qua cho thấy, với mô hình kinh tế này, nhiều hộ gia đình đã tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của mình ở các thị trường trong nước thậm chí là xuất khẩu ra nước ngoài.

PV: Ông có nhận xét, đánh giá như thế nào về chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 ?

Ông Bùi Sỹ Tiếu: Theo tôi, có thể nói mô hình VAC là mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có nhiều ưu thế trong phát huy thế mạnh của nền nông nghiệp nước ta và đã đạt được nhiều hiệu quả; được người dân ủng hộ, áp dụng vào lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Điều đó một lần nữa đã khẳng định đây là mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp cần được thực hiện lâu dài và nhân rộng. Tuy nhiên đối với các hộ ở miền núi thì cần được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa so với các khu vực đồng bằng. Bên cạnh đó cần đầu tư nhiều hơn so với các giai đoạn trước để đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

PV: Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà người dân gặp phải trong quá trình Hội thực hiện phát triển mô hình kinh tế VAC ở nước ta?

Ông Bùi Sỹ Tiếu: Một trong những khó khăn mà người nông dân còn gặp phải nhiều đó là việc tiếp cận nguồn vốn, mặc dù bước đầu đã tiếp cận được với khoa học công nghệ kỹ thuật, tuy nhiên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa áp dụng được vào mô hình vì thiếu cơ sở vật chất, thiếu nguồn vốn đầu tư trồng cây trong nhà kính, nhà lưới. Do đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho các hộ gia đình phát triển mô hình VAC đặc biệt là các hộ có mong muốn mở rộng trang trại để có thể đầu tư, phát triển kinh tế của gia đình.

PV: Theo ông quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về xóa đói giảm nghèo cần lưu ý thêm những vấn đề gì về nông nghiệp?

Ông Bùi Sỹ Tiếu: Đẩy mạnh chiến lược quốc gia về nông nghiệp, nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, hoàn thiện từ khâu nghiên cứu cây con giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc, kiểm soát chất lượng đầu ra của sản phẩm là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay trước sự hội nhập và cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Qua đây, có thể thấy mô hình VAC không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, đóng góp tích cực vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

PV: Rất cảm ơn Ông đã có những đánh giá khách quan về mô hình VAC trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Thạch Thảo