Đắng ngắt mía đầu vụ

BVR&MT –  Mấy ngày qua, nông dân Hậu Giang bắt đầu thu hoạch mía niên vụ 2018-2019. Đây là vùng mía lớn nhất và vào vụ thu hoạch sớm nhất vùng ĐBSCL để chạy lũ. Tuy nhiên, không khí thu hoạch không nhộn nhịp như mọi năm, bởi bà con ai cũng trong tâm trạng buồn, lo, vì giá mía quá thấp, không biết có đủ tiền trả các khoản chi phí đã đầu tư trước đó, rồi vốn vay ngân hàng đến hạn trả…


Nông dân buồn, lo vì giá mía thấp.

 

Buồn, lo mía đầu vụ

Những ngày này, về huyện Phụng Hiệp, vùng mía có diện tích lớn nhất tỉnh Hậu Giang, không khí thu hoạch không nhộn nhịp như những năm trước, thiếu vắng những tiếng cười vui và âm thanh nổ văng của động cơ trên những chiếc ghe chở mía của thương lái. Thay vào đó là vẻ mặt âu lo, buồn chán khi giá mía quá thấp, cánh thương lái thì chưa mạnh dạn đi thu gom vì sợ lỗ …

Ông Nguyễn Văn Hiền, có năm công mía ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chưa năm nào mà tình cảnh vào vụ thu hoạch mía lại ảm đạm như năm nay. Thường thì tới tháng 6 và 7, người của nhà máy đường đến hỏi thăm và ký kết hợp đồng bao tiêu với bà con, nhưng năm nay không thấy. Còn thương lái, thậm chí lúc giá xuống thấp cũng tới hỏi đặt cọc mua mía trước thu hoạch khoảng 10 ngày, nhưng vụ này cũng vắng bóng”.

Còn ở xã Hòa Mỹ, xã Phương Bình của huyện Phụng Hiệp, nhiều diện tích mía đã bị ngập lũ từ 15-20cm, bà con bắt đầu thu hoạch mía. Anh Lê Văn Hậu, ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ đang thu hoạch ba công mía giống ROC16 để bán cho thương lái với giá 650 đồng/kg, cho biết: “Năng suất năm nay có phần giảm hơn mọi năm, chỉ khoảng chín tấn/công. Nhưng với giá thu mua hiện nay chắc chắn lỗ tiền công, phân thuốc. Sau vụ mía này, tôi tính chuyển sang trồng rẫy hoặc chọn cây mãng cầu xiêm để phát triển lâu dài”.

Anh Lê Văn Tâm ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình đang thu hoạch sáu công mía bán cho thương mái với giá 690 đồng/kg, cũng than: “Năm nay giá rớt thảm quá. Như mọi năm, đầu vụ thương lái mua từ 800 – 900 đồng/kg cũng có lời chút đỉnh, còn năm nay với giá này chỉ hy vọng đủ tiền để trả các khoản chi phí đã đầu tư và nợ ngân hàng. Đúng ra tôi có thể neo lại chờ giá mía lên, nhưng thấy nước đang lên nhanh nên thu hoạch sớm để không phải chịu thiệt thêm vì nước lũ”.

Niên vụ mía 2018-2019, huyện Phụng Hiệp xuống giống hơn 7.500 ha chiếm hơn 70% diện tích mía của toàn tỉnh Hậu Giang. Theo ông Nguyễn Thế Tự, Phó Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, trên địa bàn huyện có khoảng 1.500 ha mía ngoài đê bao và chưa khép kín có thể bị ngập lũ (chủ yếu là vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Mía đường Cồn Long Mỹ Phát (Lusuco). Hiện đã có gần 300 ha bị ngập từ 5 – 20cm, trong đó có gần 90 ha ở xã Tân Long bị ngập lâu ngày và đang chết dần.

Trong khi đó, chỉ có Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) là thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân và diện tích đã ký kết đến thời điểm này cũng chỉ được gần 4.000ha trong tổng số 6.150ha được giao, với giá sàn 800 đồng/kg, mía đạt 10 chữ đường (CCS), cân tại cầu cảng nhà máy và đến đầu tháng 10 mới chính thức vào vụ ép. Riêng Công ty Lusuco được giao 1.350ha tại một số xã như: Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Bình, Phương Phú… thì không ký hợp đồng bao tiêu như mọi năm. Tuy vậy, mới đây, Công ty này thông báo sẽ thu mua mía cho bà con với giá 790 đồng/kg, mía đạt 10 chữ đường (CCS), cân tại cầu cảng nhà máy, nên bà con mới bắt đầu thu hoạch khoảng tuần nay.

“Với giá mía đầu vụ thương lái thu mua của bà con từ 650 – 690 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 700 – 750 đồng/kg thì nông dân không có lời, thậm chí thua lỗ, trừ những diện tích mía cho năng suất cao như ở Câu lạc bộ trồng mía 200 tấn/ha ở xã Hiệp Hưng thì mới có lời, nhưng cũng chưa tới mức 10%”, ông Tự tính toán.

Thu hoạch mía chạy lũ ở Hậu Giang.

Cùng gỡ khó

Có thể nói, chưa có niên vụ mía nào mà chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp cũng như doanh nghiệp lo lắng như năm nay, khi tổ chức đến ba cuộc họp để tìm giải pháp tiêu thụ mía cho nông dân. Địa phương cũng đã thành lập 162 tổ, nhóm (mỗi tổ từ 15 -20 người) để vần đổi công đốn chặt mía (thu hoạch thủ công), nhằm chủ động và giảm chi phí thuê nhân công thu hoạch. Bởi giá đốn chặt mía của các tổ chỉ từ 120 nghìn – 160 nghìn đồng/tấn mía, tùy theo đường vận chuyển ra ghe của thương lái xa gần; trong khi thuê mướn nhân công bên ngoài từ 180 nghìn – 240 nghìn đồng/tấn. Đồng thời, kêu gọi các nhà máy đường trong khu vực hỗ trợ thu mua mía giúp nông dân Hậu Giang tránh lũ. Tuy nhiên, viễn cảnh khó khăn của ngành mía đường đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hoạch và tiêu thụ mía đầu vụ.

Trong cuộc họp giữa các sở, ngành tỉnh liên quan với các nhà máy đường trong tỉnh Hậu Giang hồi cuối tuần qua, Phó Tổng Giám đốc Lusuco, Nguyễn Văn Chính cho biết: “Việc không ký hợp đồng với bà con như mọi năm là do Công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Nhưng trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, Công ty quyết định mua mía của bà con và ngày 25-9, nhà máy chính thức vào vụ ép. Mục đích của Công ty là giảm bớt khó khăn cho nông dân, chứ không vì lợi nhuận, hy vọng bảo đảm nguồn vốn là mừng”.

Phó Tổng Giám đốc Casuco, Nguyễn Hoàng Ngoan cũng nhìn nhận, với giá bao tiêu thu mua mía của nhà máy đưa ra là 800 đồng/kg, so giá đường hiện nay, tính ra không có lời. Hiện, ngoài khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, Công ty còn gặp khó trong tiêu thụ đường. Bởi lượng đường tồn kho của Công ty khoảng 31 nghìn tấn, đã chôn vốn hơn 300 tỷ đồng, trong khi Công ty không còn tài sản để tiếp tục thế chấp vay vốn ngân hàng.

“Mỗi tháng, Công ty bán đường được khoảng 30 tỷ đồng, trong khi cần khoảng 120 tỷ để mua mía cho nông dân. Như vậy, vốn đâu đủ để mua mía cho bà con”, ông Ngoan chia sẻ khó khăn.

Vận chuyển mía ra nhà máy.

Tuy nhiên, các nhà máy đường trên địa bàn cam kết cố gắng mua hết mía cho bà con. Đồng thời, kiến nghị có chủ trương bình ổn giá, hoặc có chính sách tạm trữ đối với mặt hàng đường cát trắng. Về phía ngân hàng cũng hứa sẽ có kế hoạch gia hạn nợ cho người trồng mía…

Theo dự báo, giá đường sẽ rất khó cải thiện cả khi vào thu hoạch mía chính vụ và cuối vụ. Nhiều khả năng sẽ khó giữ vững vùng nguyên liệu mía, vốn đã gắn bó nhiều năm với nông dân Hậu Giang. Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, Nguyễn Văn Đồng cho biết, trong hoàn cảnh khó khăn này, chúng ta cần phải “chung lưng đấu cật”, chia sẻ khó khăn. Các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, ưu tiên thu hoạch trước mía bị ngập, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con. Đồng thời, sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ NN-PTNT có tiếng nói với Chính phủ về tình hình khó khăn hiện nay, cũng như xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp mía đường nêu trên; nhất là giải quyết khó khăn lượng đường tồn của cả nước nói chung, Hậu Giang nói riêng, đặc biệt là xin chủ trương T.Ư tạo cơ chế định mức cho vay đối với các doanh nghiệp mía đường để có đủ vốn hoạt động, tiêu thụ mía cho nông dân.

Về lâu dài, để giữ vững vùng nguyên liệu mía, ông Đồng cho rằng, qua thực tế, năng suất, chất lượng của cây mía Hậu Giang rất cao. Tuy nhiên cái yếu nhất của ta là hạ tầng. Nếu được đầu tư về giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì giá thành sẽ giảm, đủ sức cạnh tranh với thế giới.

Để làm được điều này, tỉnh cũng đã có chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng doanh nghiệp và nông dân xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện theo chuỗi đúng với tinh thần Nghị định số 98/2018, ngày 5-7-2018 của Chính phủ, quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngay trong niên vụ mía tới 2019-2020.