Đắk Lắk: Người “gieo mầm” no ấm trên đảo Ngọc xứ bản Đôn

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Ông Y Moc Niê (hay còn gọi là Ma Vong) người dân tộc Ê Đê cùng vợ là H’ To Niê sinh sống ở buôn Jang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Người dân tộc nơi đây luôn dành cho Ma Vong niềm tin yêu, kính trọng bởi ông luôn giúp đỡ cho bà con cả người Kinh và người dân tộc phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ông cũng là người đồng hành cùng lực lượng công an, lực lượng biên phòng đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh biên giới.

Đảo Ngọc xứ bản Đôn thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Ma Vong đã sinh ra và lớn lên từ mảnh đất này với cha mẹ và anh em trong buôn làng. Ông còn nhớ rất rõ những năm tháng đói nghèo cứ đeo bám theo ông. Đến năm 2000, Ma Vong quyết tâm không để đói nghèo “kìm chân” gia đình ông cùng buôn làng nữa. Nghĩ là làm ông cùng gia đình hăng hái vận động bà con người đồng bào dân tộc Ê Đê trong buôn Jang Lành tích cực trồng rừng và bảo vệ rừng trên đảo Ngọc. 

Đảo Ngọc có diện tích hơn 6 hecta. Lợi thế trên đảo là nước chảy liên tục không bao giờ cạn. Nơi đây ngoài những cây chủ lực vườn đồi còn có một không gian rộng lớn thoáng mát cho những tán cây cổ thụ có đường kính 1m50 đến 2m phát triển không ngừng. Tận dụng thế mạnh ấy, Ma Vong đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng  chính sách xã hội huyện Buôn Đôn để đầu tư phát triển kinh tế. Xung quanh đảo ông trồng lúa, ngô để phục vụ chăn nuôi đàn heo lai hơn 50 con, 80 con trâu, bò, 6 con ngựa cùng hàng trăm con gà, ngan, ngỗng. Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra ông còn đóng một chiếc thuyền máy để chạy quanh đảo để thu ngô, hạt điều, cây chủ lực khi đến mùa. Đó cũng là phương tiện quen thuộc để Ma Vong chở khách du lịch thưởng thức rượu cần, ăn cơm lam, nghỉ ngơi và khám phá hòn đảo xanh tươi, trù phú này.

Ma Vong với chiếc thuyền máy quen thuộc ngày ngày vẫn đi quanh đảo Ngọc chăm sóc những vườn cây, khoảng rừng xanh tươi.

Noi gương Ma Vong, đồng bào dân tộc buôn Jang Lành đang ưu tiên đến những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả như chăn nuôi trâu bò, gà vịt, lợn, trồng cây chủ lực vườn đồi như lúa ngô, điều, ca cao. Họ mạnh dạn vay vốn và được ông Ma Vong hướng dẫn cách làm. Nhà nào trong buôn Jang Lành cũng có từ 2 đến 5 con bò, trâu hàng chục con lợn và gia cầm các loại. Thu nhập kinh tế gấp nhiều lần ngày xưa. Cũng từ đó bà con đã vươn lên thoát nghèo, không còn lo thiếu đói giáp hạt nữa, kinh tế ngày một khấm khá hơn. 

Cũng tại đảo Ngọc ngày nay, mô hình làm du lịch sinh thái đang dần trở thành xu hướng tích cực mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và góp phần gìn giữ môi trường. Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường chúng tôi đã có dịp theo chân ông Ma Vong đi thuyền máy quanh đảo. Có thể nói, Thác Bảy Nhánh, một tuyệt tác thiên nhiên chính là điểm nhấn trong hành trình khám phá đảo Ngọc của du khách. Thác thuộc xã Ea Hoa, huyện Buôn Đôn, nơi có những buôn làng cổ kính của người dân tộc Ê Đê, Lào, Mơ Nông tỉnh Đắk Lắk với vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, của những cây cổ thụ sống hàng trăm năm tuổi, cùng những nét độc đáo trong văn hóa của cộng đồng người dân tộc Bản Đôn.

Đảo Ngọc sở hữu những tiềm năng du lịch sinh thái vô cùng đa dạng, phong phú cần được đầu tư, phát triển.

Không chỉ là “đầu tàu” trong công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương, Ma Vong còn là Đảng viên được bà con người dân tộc thiểu số trong buôn Jang Lành tín nhiệm. Ông luôn gương mẫu đi đầu và hướng dẫn bà con dân tộc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, dự trữ thức ăn cho gia súc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu cúng bái, mê tín dị đoan. Nhờ đó, các gia đình buôn Jang Lành nhà nào cũng ấm no, mua sắm ti vi, xe máy, thuyền máy, các con em họ được học hành đến trường. Trẻ em không có trường hợp nào bị thất học, bỏ học.

Trước sự đổi thay này, người dân tộc trong buôn Jang Lành càng thêm quý mến ông Ma Vong, yên tâm giữ vững vùng biên giới.

Lê Vân