Đại biểu Quốc hội: Cần thông tư liên bộ hướng dẫn để cán bộ “dám làm”

BVR&MT – Đại biểu Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp để hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Tại phiên thảo luận về thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội trong phiên làm việc sáng 29/5 của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 7, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) bày tỏ nhất trí với những thành tích và sự nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành được nêu rõ trong báo cáo.

“Nhân dân và cử tri nhận thấy rất rõ Thủ tướng hoạt động rất tích cực và trách nhiệm, cả đối nội và đối ngoại” – ông nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Tuy nhiên, vị đại biểu này nhấn mạnh một tồn tại là tình trạng ngại ra các quyết định trong thẩm quyền, đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, ách tắc của người dân và của doanh nghiệp.

Tình hình trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội.

Đại biểu hoan nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Nhưng nghiên cứu kỹ tôi thấy chưa đủ. Đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ” – ông Nghĩa nêu quan điểm.

Từ nhận định trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ tư pháp để hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73.

“Thông tư cần sâu sát với tình hình tâm tư, bức xúc của đội ngũ cán bộ. Tôi nghĩ rằng, với thông tư liên bộ đầy đủ các ngành như thế, sẽ giúp cán bộ yên tâm trong hành xử và ra quyết định hành chính của mình” – đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Đỗ Thị Lan – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra 12 nhóm giải pháp.

Bày tỏ sự thống nhất với giải pháp đưa ra trong báo cáo, nhưng đại biểu cho rằng cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh

Ông Khánh nhấn mạnh việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu; trong đó tập trung triển khai nghiêm túc Nghị định 73 năm 2023 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung vì “tình trạng này thời gian qua khá phổ biến”.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là: Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển.