BVR&MT – Ngày 24/12, tại thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo về đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Đến tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Phú Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ Tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cùng các đại diện Sở ban ngành tại thành phố Đà Nẵng.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là một khái niệm mới xuất hiện gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ số. Khái niệm này được phổ biến rộng rãi sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2016 về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án). Mục tiêu của Đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Theo báo cáo tóm tắt dự thảo nội dung Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên” cho biết: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…, và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, thành phố đáng sống…”
Việc nâng cao tính sáng tạo, khởi nghiệp là tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là động lực để các quốc gia đang phát triển rút ngắn khoảng cách và tiến kịp các nước phát triển trên thế giới. Đồng thời, tận dụng cơ hội này để thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa trên đổi mới và sáng tạo một cách chủ động theo tinh thần NQ52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khâu đột phá để tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ mới là R&D. Khâu yếu nhất của Việt Nam là khuôn khổ thể chế, chính sách để hình thành hệ sinh thái tạo điều kiện cho sự ra đời và nuôi dưỡng các ngành công nghiệp công nghệ mới. Đà Nẵng là nơi tụ hội rất nhiều các yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khi tại đây có nguồn nhân lực chất lượng cao với mạng lưới các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp công nghệ lớn…
Tại hội thảo nhiều đại biểu tham gia thảo luận với nhiều ý kiến xây dựng Đề án như: Cần có thể chế phù hợp, chính sách ưu đãi để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên hiệu quả; Tạo môi trường an toàn, thân thiện để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, các nhân tài trong nước và quốc tế đến làm việc tại Đà Nẵng. Tuy nhiên có đại biểu nhận xét Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn mang tính chung chung, sơ lược và chưa sát với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, cần được khảo sát với các doanh nghiệp để sát với thực tế hơn.
CTV Hồng Sơn