BVR&MT – Với gần trăm mỏ đá thuộc 67 doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn, năm 2016, tỉnh Hòa Bình thu ngân sách gần 180 tỷ đồng trên tổng sản lượng 6,7 triệu m3 đá, trong đó thuế tài nguyên chiếm trên 41 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 23 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 35 tỷ đồng cùng một số loại thuế, phí khác.
• “Đá, máu và nước mắt” (Kỳ 1): Phận phu đá
• “Đá, máu và nước mắt” (Kỳ 2): Mìn nổ tựa như bom
Tuy nhiên, tính đến thời điểm 30/12/2016, doanh nghiệp khai thác đá vẫn nợ ngấp nghé 29 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là khoản thuế tài nguyên hơn 7 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên 6 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường gần 6 tỷ đồng… Việc nợ thuế, phí vốn “xưa như trái đất” nên điều đáng quan tâm hơn cả là tỉnh Hòa Bình đã sử dụng nguồn thu này như thế nào và người dân vùng mỏ có được tiếp cận với chính sách cũng như nguồn kinh phí ý nghĩa này?
Theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản, cụ thể: giúp phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Đặc biệt, Điều 8 có nhấn mạnh “nơi có hoạt động khai thác khoáng sản là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện”.
Quy định là vậy song một số xã tỏ ra khá bất ngờ khi được hỏi về việc sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường vì họ chưa bao giờ được tiếp cận. Xã Thành Lập, huyện Lương Sơn hiện có 06 mỏ đá đang hoạt động nhưng tuyệt nhiên không nhận được bất cứ khoản kinh phí nào liên quan đến phí bảo vệ môi trường.
“Nếu phí bảo vệ môi trường chỉ phân chia cho tỉnh và huyện thì không phù hợp, số tiền đó phải được quay trở lại các vùng bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác đá để khắc phục đường sá, bảo vệ môi trường không khí, mua bảo hiểm y tế cho người dân địa phương… mới phải. Chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều lần về việc này, kể cả với đại biểu quốc hội khi xuống tiếp xúc cử tri” – ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lập giãi bày.
Không riêng Thành Lập mà xã Trung Sơn ở kề bên tuy có gần chục mỏ đá đang khai thác nhưng chưa hề nhận được phí bảo vệ môi trường. Anh Cường, cán bộ xã Trung Sơn cho hay: “Phí bảo vệ môi trường chuyển hết lên trên, qua tiếp xúc cử tri, bà con muốn có khoản kinh phí để giúp cải tạo môi trường nhưng xã không có, huyện thì có nhưng phân bổ cho các xã khác chứ xã này không được”.
Phân bua về vấn đề này, ông Phạm Quang Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình cho biết: “Liên quan đến lĩnh vực khoảng sản có nhiều loại thuế, phí, trong đó Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chi 50% số thuế, phí thu được cho địa bàn huyện, 50% để trên tỉnh và chi cho sự nghiệp môi trường như: xử lý rác thải, vận chuyển rác, rửa đường, trồng cây xanh, quan trắc các thông số về môi trường; thanh tra các cơ sở về việc thuân thủ Luật bảo vệ môi trường.
Cũng theo thông tin từ Sở Tài chính, năm 2017 Hòa Bình dự kiến thu 21 tỷ phí bảo vệ môi trường và số tiền này chi cho việc khắc phục hậu quả do hoạt động khai thác khoáng sản gây ga, 50% còn lại giao cho Ban quản lý Khu công nghiệp, Công an tỉnh, Sở TN&MT…
Riêng với huyện Lương Sơn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng TN&MT huyện cho hay huyện được tỉnh phân bổ khoảng 04 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường và số tiền này được giao cho Ban quản lý Dự án của huyện quản lý. Dù có tới 19 xã và một thị trấn nhưng chỉ có hai xã được ưu tiên nhận tổng khoản tiền này là Hòa Sơn (01 tỷ đồng) và Cao Dương (03 tỷ đồng) để sửa chữa đường sá, cụ thể tại Cao Dương đã tiến hành đầu tư làm đường giao thông tại thôn Quèn Thị, còn xã Hòa Sơn xây dựng tuyến đường vận chuyển cho chính mỏ đá trên địa bàn.
Hậu Thạch