BVR&MT – Báo cáo mới nhất về khí hậu nói rằng giảm nạn phá rừng là mục tiêu số một nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, trước tiên, các nhà nghiên cứu phải “hòa giải” hai bộ số liệu thống kê hàng đầu về mất rừng hiện nay.
Có hai nguồn dữ liệu chính về mất rừng và chúng ngày càng mâu thuẫn nhau. Thứ nhất là nguồn dữ liệu từ Global Forest Watch (GFW), được tổng hợp từ các hình ảnh vệ tinh của Viện Tài nguyên Thế giới, một think-tank ở Washington. Nó vẽ ra một bức tranh u ám về tình trạng giảm độ che phủ của cây trong năm 2017 ở mức 294.000 km2, tăng gần 50% so với năm 2015. Phân tích này được hỗ trợ bởi các quan sát thực tế, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi rừng tiếp tục được chuyển đổi để trồng cọ dầu.
Một nguồn dữ liệu phá rừng khác là Đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu (FRA), được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Rome tổng hợp từ kiểm kê của các chính phủ, có vẻ ít u ám hơn. Dữ liệu này ước tính tổn thất ròng hàng năm, tính đến cả tái sinh rừng, chỉ bằng một phần mười GFW – khoảng hơn 30.000km2, và cho rằng tỷ lệ phá rừng đã giảm hơn 50% trong thập kỷ qua.
Chuyên gia lâm nghiệp Peter Holmgren, cựu tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) ở Indonesia, phàn nàn vào năm ngoái rằng dữ liệu phá rừng hiện tại có “chất lượng thấp”, dựa vào hình ảnh vệ tinh cung cấp thì “nông cạn, mơ hồ và nói chung không thể so sánh được” còn dựa vào dữ liệu của chính phủ thì có thể “báo cáo không đầy đủ về phá rừng vì lý do chính trị”.
Holmgren cho biết sự khác biệt rõ rệt này còn lan tới dữ liệu từ các quốc gia riêng lẻ. Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Canada, Nga và một số quốc gia khác, FRA cho thấy rừng tăng trong khi GFW khẳng định rừng mất nhiều. Vậy dữ liệu nào là đúng?
Trên bề nổi, dữ liệu GFW dựa vào vệ tinh chặt chẽ hơn vì chỉ hỏi một câu hỏi đơn giản khi phân tích những hình ảnh vệ tinh Landsat đưa về là diện tích cây cối nào đã biến mất kể từ năm ngoái? GFW không hỏi làm thế nào hay tại sao mà chỉ là bao nhiêu? Ngược lại, dữ liệu FRA chủ yếu là thước đo diện tích sử dụng đất có đăng ký hơn là độ che phủ thực tế. Ví dụ, định nghĩa của một khu rừng có tính cả các khu vực trơ trụi vì khai thác gỗ nhưng chính phủ vẫn phân loại là đất rừng sản xuất dự kiến sẽ tái sinh và được tiếp tục khai thác gỗ.
Cả FRA và GFW đều bị chỉ trích nặng nề. Rõ ràng nhất, dữ liệu FRA dựa vào nguồn từ các chính phủ chịu trách nhiệm cho sự mất rừng. Nhưng dù GFW không bị can thiệp chính trị, các nhà phê bình như Holmgren vẫn chỉ ra rằng nó có một điểm mù lớn hơn: không thể thấy được sự tái sinh rừng.
Vấn đề là trong khi nạn phá rừng dễ phát hiện khi so sánh các hình ảnh vệ tinh từ năm trước qua năm tiếp theo thì tái sinh rừng diễn ra chậm và khó xác định theo quãng thời gian từ năm này sang năm khác. Hơn nữa, bởi vì GFW không đánh giá những gì xảy ra với đất sau khi rừng bị mất – cho dù được canh tác hay đơn giản là để không – nên nó có thể không cho biết liệu sự mất mát là vĩnh viễn hay thật ra rừng sẽ mọc lại.
Mặc dù cả hai cơ sở dữ liệu đều đề cập đến mức độ che phủ của cây nhưng không bộ dữ liệu nào xác nhận những thay đổi quan trọng trong đa dạng sinh học hoặc sự hấp thu carbon của những khu rừng đó.
Để đào sâu hơn lý do về sự chênh lệch giữa hai bộ số liệu, các nhà nghiên cứu đã bắt tay vào việc đi tìm bằng chứng với kết quả là hai báo cáo đã được công bố trong thời gian gần đây.
Trên tạp chí Science tháng 9, Philip Curtis và các đồng nghiệp thuộc Đại học Arkansas đã sử dụng hình ảnh Google Earth có độ phân giải cao để đưa ra một mô hình có thể dự đoán nguyên nhân mất cây trong hình ảnh vệ tinh toàn cầu của GFW. Mục đích là để phân biệt giữa những nơi cây được thay thế bởi mục đích sử dụng đất khác và những nơi mà mất rừng có thể là tạm thời vì chúng có thể lại tự phục hồi.
Nhóm đã phát hiện ra rằng chỉ 27% mất rừng từ năm 2001 đến năm 2015 là vĩnh viễn với đất chủ yếu không chỉ dành cho nông nghiệp “hàng hóa” như trồng dầu cọ mà còn cho khai khoáng, sản xuất dầu khí, và mở rộng đô thị. Sự mất mát đó, khoảng 12,4 triệu mẫu cây mỗi năm, hầu như không thay đổi trong giai đoạn này, trùng với với sự sụt giảm mạnh về độ che phủ rừng Amazon ở Brazil.
Trong số 73% diện tích mất rừng còn lại, họ phát hiện cháy rừng chiếm 23%, canh tác nương rẫy (rừng bị khai hoang để trồng trong vài năm, sau đó nông dân đi nơi khác và rừng có thể tái sinh) chiếm 24%, và lâm nghiệp chiếm 26% – trong những trường hợp này mất rừng là tạm thời.
Đây là lần đầu tiên mất rừng được chia ra theo cách này, Harris – một đồng tác giả của nghiên cứu – cho biết. Nó tạo ra một ranh giới địa lý mới về nạn phá rừng. Ở Bắc Mỹ và Nga, mất rừng chỉ tạm thời, chủ yếu là do cháy rừng và khai thác gỗ. Tuy nhiên, ở vùng nhiệt đới, bức tranh hỗn tạp hơn. Mất rừng tạm thời do canh tác nương rẫy chiếm tới 93% diện tích mất rừng ở châu Phi, trong khi rừng mất vĩnh viễn do phát triển nông nghiệp chiếm 61% mất rừng ở Đông Nam Á và 64% ở châu Mỹ La tinh.
Curtis và các cộng sự thừa nhận những thiếu sót trong dữ liệu. Mô hình “đạt hiệu quả kém hơn ở châu Phi”, Christy Slay, Giám đốc kỹ thuật của nghiên cứu cho biết. “Lẫn lộn xảy ra giữa chuyển đổi quy mô lớn [sang nông nghiệp thương mại] và làm nương rẫy”.
Nhưng để diện tích khai thác gỗ được xếp vào loại mất rừng tạm thời thì phải thể hiện được “bằng chứng về tái sinh rừng trong những năm tiếp theo. Tất cả các hình thái lâm nghiệp đều có tín hiệu tái sinh rừng trong những năm sau”, Curtis giải thích.
Tuy nhiên, phân tích không phân biệt được các loại cây khác nhau. Vì vậy, khi rừng tự nhiên sau khai thác được thay thế bởi cây công nghiệp thì sự thay đổi này chỉ đơn giản được ghi nhận là tái sinh, mặc dù phần lớn đa dạng sinh học trước đây có thể bị mất.
Một nghiên cứu chi tiết khác, được công bố vào tháng 8, đã xem xét các khu rừng trồng lấy gỗ trên 7 quốc gia ở Nam Phi. Iain McNicol, thuộc Đại học Edinburgh, đã sử dụng hình ảnh radar mới để ước lượng cả độ che phủ rừng và lượng gỗ trong rừng. Ông thấy rằng cả mất rừng và mọc lại đều hơn mức dự tính trước đây.
Sự cân bằng giữa mất rừng và tăng diện tích rừng thay đổi tùy theo địa điểm. Mất nhiều nhất ở các điểm gần thành phố và đường giao thông, nơi nhu cầu than và củi đốt cao, trong khi tăng nhiều nhất ở các vùng xa xôi hẻo lánh hơn. Nhưng nhìn chung, lượng sinh khối gỗ – và carbon chứa trong đó – ổn định trong rừng, chiếm khoảng một nửa khu vực.
Điều đã xảy ra, theo McNicol, là bản chất “rất năng động” của sự thay đổi đang diễn ra và “tiềm năng tái sinh lớn” của các khu vực tạm thời bị mất rừng.
Phát hiện này xác nhận các nghiên cứu gần đây ở châu Phi đã tìm thấy sự tái sinh rừng mạnh mẽ trong các khu rừng lấy gỗ bên ngoài vành đai rừng nhiệt đới ở Trung Phi, thường sau khi nông dân bỏ hoang đất đai để đổ về các thành phố. Ed Mitchard thuộc trường Đại học Edinburgh, đồng tác giả bài báo với McNicol, cho biết: “Rừng và thảo nguyên của châu Phi đang tái sinh”. Nghiên cứu thực địa của ông ở miền trung Cameroon cho thấy “khu rừng đang mọc lại rất nhanh… Nếu nạn phá rừng và suy thoái rừng giảm đi, châu Phi có thể nhanh chóng trở thành một bể chứa carbon đáng kể”.
Tất nhiên, tái sinh rừng không nhất thiết phải phục hồi đầy đủ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, như một bài báo từ 28 nhà sinh thái rừng hàng đầu cảnh báo trong tháng Hai. Họ đưa ra những bằng chứng ngày càng tăng về rừng nguyên sinh, chiếm chưa tới 1/5 tổng diện tích rừng trên thế giới “nhưng đóng góp những giá trị môi trường tổng hợp đặc biệt quan trọng ở cấp độ toàn cầu liên quan đến các khu rừng bị suy thoái”. Nhiều loài ăn thịt lớn “hiện chỉ được tìm thấy… trong các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh còn lại”.
Ngược với với Curtis, các nhà tài sinh rừng cho rằng việc khai thác gỗ không thể được xem như là nạn phá rừng tạm thời, bởi vì sự phục hồi sẽ luôn không đầy đủ. Khai thác gỗ là mối đe dọa phổ biến nhất đối với các loài sống trong rừng nguyên sinh.
Nhưng một số nhà khoa học lâm nghiệp có tầm nhìn dài hơn. Họ lập luận rằng hầu như tất cả các khu rừng – kể cả những khu rừng được coi là ngày nay nguyên vẹn – thực ra đang phục hồi từ suy thoái do hoạt động của con người hàng nghìn năm qua. Mất rừng ngày nay có thể không khác trước, dù chắc chắn quy mô lớn hơn nhiều. Như Kathy Willis, Giám đốc khoa học tại Kew Gardens ở Luân Đôn lập luận rằng hệ sinh thái rừng “không mong manh như thường được miêu tả” và “có đủ thời gian thì rừng mưa nhiệt đới bị xáo trộn bởi các hoạt động hiện đại của con người có thể tái sinh”.
Cuộc tranh luận đó vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng bất kể thế nào, một bức tranh mới về nạn phá rừng đang nổi lên rất khác so với hình ảnh thông thường về mất rừng như một con đường một chiều. Tình hình có vẻ linh hoạt hơn, mất rừng nhanh chóng đôi khi được đối trọng bằng phục hồi nhanh chóng, ít nhất là trong độ che phủ.
“Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã nhận ra tất cả các khu rừng, rừng lấy gỗ và trảng cỏ đang thay đổi nhanh như thế nào, và làm thế nào chúng ta có thể định lượng được sự thay đổi này”, Mitchard nói.
Theo Curtis, ý tưởng tiềm ẩn trong dữ liệu từ GFW rằng “bất kỳ mất mát nào trên bản đồ thể hiện nạn phá rừng” là một “nhận thức sai lầm” cần được thay đổi.
McNicol cho rằng bức tranh mới này cho thấy rằng chính sách quốc tế hiện tại để giảm lượng phát thải carbon từ rừng, tập trung vào bảo vệ rừng nguyên sinh, có thể không phải lúc nào cũng là phương cách tốt nhất. Ở nhiều nơi, đảm bảo rằng các khu vực tạm thời bị suy thoái hoặc bị phá rừng có thể tái sinh lại hiệu quả hơn.
Điều này không có nghĩa là cuộc khủng hoảng phá rừng gần như được giải quyết. Curtis ước tính rằng mỗi năm cả chục nghìn km2 rừng được chuyển đổi vĩnh viễn sang trồng cây hàng hóa như dầu cọ. Và, mặc dù nhiều công ty và chính phủ hứa hẹn, không có dấu hiệu nào cho thấy con số đó sẽ giảm.
Những phát hiện mới nhấn mạnh tính cấp bách của sự cần thiết phải hãm đà tiến vào các khu rừng để chuyển đổi thành đất nông nghiệp lâu dài phục vụ sản xuất hàng hóa. Nhưng cũng có những hy vọng. Nếu ngăn chặn được cuộc xâm lăng của nông nghiệp vào rừng nhiệt đới, chúng ta không chỉ có thể chấm dứt việc phá rừng mà còn chứng kiến sự hồi sinh tự nhiên nhanh chóng ở quy mộ lớn của độ che phủ cây – và một lượng lớn carbon được lưu trữ trong những khu rừng đó.
Cuộc chiến chống lại đổi khí hậu không cần gì hơn thế.
Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)