Cùng chung sức đồng lòng quản lý bền vững sông Mekong

BVR&MT – Tên gọi “Mekong”, mang ý nghĩa là “mẹ của nước”, dòng sông Mekong hùng vĩ đã gắn kết chặt chẽ và là không gian sinh tồn chung của 6 quốc gia trong vùng.

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 3 từ ngày 4-5/4/2018 tại Siem Reap, Campuchia.

Ủy ban sông Mekong quốc tế đã được thành lập từ 1956 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để điều phối tài trợ và quản lý tài nguyên trong lưu vực. Đến 1995, 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) đã ký Hiệp định hợp tác Mekong 1995 và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC).

Hiệp định này là cơ sở pháp lý duy nhất trong vùng nhằm quản lý và phát triển lưu vực sông Mekong. Hiệp định còn tiến xa hơn các văn kiện của các tổ chức lưu vực sông quốc tế khác về các quy định cụ thể và chặt chẽ về quy chế sử dụng nước, trong đó có 5 bộ Thủ tục quy định về bảo đảm dòng chảy mùa khô; số lượng nước; chất lượng nước, thông báo, tham vấn trước khi xây dựng các công trình dòng chính Mekong.

Ủy hội sông Mekong hiện đang triển khai Kế hoạch Chiến lược chu kỳ 5 (2016-2020) gồm 7 kết quả chính và hơn 190 hoạt động với tổng kinh phí ước tính khoảng 60 triệu USD.

Mục tiêu của Kế hoạch Chiến lược là nhằm thực hiện các ưu tiên của Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước, tiếp tục thực hiện chuyển giao các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông về cho quốc gia và các hoạt động của cải tổ Ban Thư ký Ủy hội.

Từ năm 2010, Ủy hội đã quyết định tổ chức Hội nghị Cấp cao 4 năm một lần. Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất của Ủy hội sông Mekong được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan. Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 của Ủy hội sông Mekong được tổ chức vào tháng 4/2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Sau hơn 20 năm thành lập, Ủy hội sông Mekong đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác lưu vực như xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, nghề cá, liên kết giao thông thủy, mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực.

Với chiều dài khoảng 4.800 km chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, dòng Mekong ngàn đời nay vẫn uốn lượn hiền hòa qua những vùng đất trù phú, dòng sông chính là mạch nguồn kết nối tự nhiên cuộc sống, giao lưu văn hóa và sự thịnh vượng của muôn triệu người dân trong vùng.

Đối với Việt Nam, sông Mekong có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế trọng điểm là đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hàng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số nước ta.

Tuy nhiên, lưu vực sông Mekong hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước như tình trạng ngập mặn và những tác động khác của biến đổi khí hậu. Hiện sông Mekong là một trong 5 lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất do hạn hán, tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính.

Do đó, việc quản lý và phát triển bền vững sông Mekong ngày càng có ý nghĩa hết sức quan trọng, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia “chung một dòng sông”.