Cự Thắng: Diện mạo nông thôn đổi thay nhờ chương trình giảm nghèo bền vững

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Ba năm nay, xã Cự Thắng (Thanh Sơn, Phú Thọ) không phát sinh hộ nghèo mới, không có hộ tái nghèo, nghèo đa chiều hàng năm giảm từ 1- 1,5%. Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Cự Thắng đã đoàn kết, nhất trí một lòng quyết tâm thực hiện hiệu quả những chương trình mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội từ những chương trình hỗ trợ giảm nghèo từ Trung ương và tỉnh Phú Thọ.

Giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội.

Xã Cự Thắng là một xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 ở quyết định 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cự Thắng có diện tích đất tự nhiên là 2.939,74ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm phần đa có diện tích là 2.231, 34ha, còn lại là những loại đất khác. Toàn xã có 15 cụm điểm khu dân cư, dân số là 5.954 người chủ yếu là người dân tộc chiếm trên 54%, số hộ là 1.386 hộ.

Giao thông nông thôn được bê tông hóa góp phần thuận lợi cho việc đi lại của bà con

Ông Đỗ Văn Hùng  – Chủ tịch UBND xã Cự Thắng cho biết: “Từ 3 năm nay trên toàn xã không phát sinh hộ nghèo mới, cũng không có hộ tái nghèo, có thể nói Cự Thắng đã thành công trong công tác giảm nghèo bền vững”.

Có được điều đó là nhờ vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020, chương trình này rất phù hợp với địa phương. Từ những nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề cho từng chương trình cụ thể và giao cho UBND xã thực hiện triển khai.

“Đầu tiên chúng tôi tiến hành tuyên truyền vận động bà con nhân dân làm theo những kỹ thuật canh tác mới, cử cán bộ “ăn ngủ” với bà con, cầm tay chỉ việc hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc giống, cây trồng….

Đảng bộ xã đã xác định, cây lâm nghiệp là cây chủ đạo để phát triển kinh tế địa phương, sau đó mới đến cây công nghiệp là cây chè được xã cho thực hiện đồng bộ.

Năm 2014 xã đã cho chuyển đổi mạnh mẽ mục đích cây trồng sang cây chè ở khu Xuân Thắng. Đặc điểm của khu này gần 100% là người dân tộc dao, đời sống, kinh tế bà con rất khó khăn. Ban đầu chúng tôi cũng gặp không ít những khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cử cán bộ khuyến nông xuống địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch… từ đó bà con nhân dân tin tưởng và làm theo, đến nay có thể nói khu Xuân Thắng là một trong những khu điểm về thoát nghèo bền vững ở xã”, ông Hùng phấn khởi nói.

Cho đến nay, số hộ nghèo đa chiều của xã là 6,59%, hộ cận nghèo là 6,18%. Năm 2016 từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách xã đã hỗ trợ các hộ nghèo tiền điện là 72.864.000 đồng tương đương với 132 hộ và 33.280.000 đồng cho 102 khẩu, ngoài ra từ nguồn ngân sách từ Trung ương hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế – xã hội, UBND xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ như: cây con giống, máy móc thu hoạch, thuốc, phân bón….. Xã đặt mục tiêu đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,04% tương đương 28 hộ.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, đến nay xã Cự Thắng đã thoát nghèo bền vững. Có được điều đó là nhờ vào chủ trương chính sách của Đảng, hướng đi đúng của chính quyền và có sự đồng thuận của nhân dân.

Phượng Long