Cống xả thải đe dọa môi trường biển Đà Nẵng

BVR&MT – Hàng trăm công trình, nhà hàng, khách sạn dọc các bãi biển của thành phố Đà Nẵng xả thải trực tiếp ra biển khiến dư luận bất bình.

Những ngày vừa qua, CTCP Xây dựng Hồng Trí Việt, nhà thầu thi công công trình khách sạn trong Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1, tại lô A3 đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn trong quá trình thi công tầng hầm đã hút nước từ hố móng xả trực tiếp không phép ra biển. Đây chỉ là một trong hàng trăm công trình, nhà hàng, khách sạn dọc các bãi biển của thành phố Đà Nẵng xả thải trực tiếp ra biển khiến dư luận bất bình.

Biển Mỹ Khê bị đe dọa bởi ô nhiễm.
Ngày 4/8 vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng đã lập Biên bản đình chỉ thi công công trình, giao Đội Kiểm tra quy tắc Đô thị quận Ngũ Hành Sơn, phối hợp UBND phường Mỹ An giám sát việc ngừng thi công công trình của chủ đầu tư và kịp thời báo cáo các đơn vị chức năng trong trường hợp chủ đầu tư không chấp hành; Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố chỉ đạo Chi cục Môi trường, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải thường xuyên kiểm tra việc xả nước không phép tại các công trình xây dựng vào hệ thống thoát nước thành phố, đặc biệt là khu vực ven biển, ven sông.
Thế nhưng đến sáng 5/8, CTCP Xây dựng Hồng Trí Việt vẫn tiến hành thi công tầng hầm công trình khách sạn trong Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1, tại lô A3 đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lãnh đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng đến hiện trường kiểm tra thì bị bảo vệ công trình ngăn cản.
Công trình khách sạn trong Khu phức hợp đô thị, thương mại dịch vụ Royal Era 1 vẫn thi công, bất chấp thông báo đình chỉ của Sở Xây dựng thành phố.
Tại khu vực cống xả thải, dòng nước đen ngòm từ công trình khách sạn Royal Era 1 và nhiều công trình, nhà hàng ven biển khác vẫn tuôn xả về phía biển. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải đành phải làm đập dâng ngay trước miệng cống xả thải, ngăn không cho nước thải ra biển.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, quê ở tỉnh Hải Dương, định cư tại Nhật Bản lần đầu tiên đến thành phố Đà Nẵng cảm nhận: “Cống xả thải là do những người xây dựng khiến mùi hôi xộc lên. Bên Nhật Bản họ có hình thức xử lý rất sạch sẽ, không gây ra mùi hôi”.
Biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được bình chọn là bãi biển đẹp. Tại đây hiện 16 cống đang xả thải trực tiếp ra biển. Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, việc xây dựng quá nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển khiến hệ thống xử lý nước thải trở nên quá tải. Đối với các công trình thi công tầng hầm, hố móng, lượng nước tiêu thoát trong quá trình thi công rất lớn nên nhiều nơi đặt ống xả thải trực tiếp ra môi trường.
Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối từ miệng cống xả ra biển Mỹ Khê.
Ông Phan Anh Sơn, đại diện đơn vị tư vấn công trình Tổ hợp căn hộ thương mại dịch vụ và khách sạn Alphanam Luxury nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, cạnh bờ biển Phạm Văn Đồng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng giải thích: “Nguồn nước thải trong xây dựng khách sạn về cơ bản không nhiều. Chỉ có các nguồn nước như nước mưa, nước tự nhiên hoặc nguồn nước do thi công, chỉ có nguồn nước thải do vệ sinh của công nhân và cán bộ trong công trường”.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, giải pháp làm đập dâng ngăn không cho nước thải tràn ra biển, giữ lại trong miệng cống chỉ là tạm thời, để chống mùi hôi khi nước thải bị giữ lại trong cống phải có thuốc khử mùi.
Đắp đập ngăn miệng cống.
Ông Mai Mã nói: “Tại các cửa xả chúng tôi có gắn val lật kín cũng góp phần hạn chế, không cho khuếch tán mùi. Quá trình nước thải ra biển thì chấp nhận chúng tôi phải vệ sinh, san gạt và phun xử lý mùi. Các nhà xả thải vượt chuẩn, Công ty có trách nhiệm báo cáo với ngành chức năng như Cảnh sát môi trường, Thanh tra môi trường, Chi cục Môi trường, Sở Xây dựng, phối hợp giám sát”./.