Con người đã hủy diệt thế giới động vật như thế nào?

BVR&MT – Con người đã quét sạch 60% động vật có vú, chim, cá và bò sát kể từ năm 1970 – theo Báo cáo Chỉ số Hành tinh sống (Living Planet Index) do Hội Vườn thú London xây dựng cho Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Động vật ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon (Ảnh: Michael Nichols/National Geographic/Getty Images)

Báo cáo được sự giúp sức của 59 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới và mới được WWF công bố vài ngày gần đây. Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu trên 16.704 quần thể động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư, đại diện cho hơn 4.000 loài, để theo dõi sự suy giảm của các loài. Kết quả cho thấy từ năm 1970 đến năm 2014, các quần thể động vật hoang dã giảm trung bình 60% trong khi bốn năm trước con số này là 52%. “Điều này chứng tỏ đà tan rã các quần thể động vật hoang dã không hề suy giảm” – Giám đốc điều hành về khoa học và bảo tồn của WWF, Mike Barrett, nhấn mạnh.

Cũng theo Barrett, “chúng ta đang đi trong tình trạng mộng du về phía rìa vách đá. Nếu dân số loài người giảm 60% tức là tương đương với việc quét sạch Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc và châu Đại Dương. Đó là quy mô của những gì chúng ta đã làm… Hiện thực đó đáng buồn đến tuyệt vọng và nó buồn hơn nhiều việc chỉ mất đi những kỳ quan thiên nhiên bởi nó thực sự gây nguy hiểm cho tương lai của con người. Thiên nhiên không phải là “trang sức đẹp đẽ”, đó là hệ thống hỗ trợ sự sống của chúng ta”.

Barrett chỉ ra Nam Mỹ và Trung Mỹ là là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 89% quần thể động vật có xương sống bị suy giảm, chủ yếu do các khu rừng giàu hoang dã bị chặt phá. Trong số các thảo nguyên nhiệt đới gọi là cerrado, cứ hai tháng sẽ có một khu vực tương tương với Đại Luân Đôn (Greater London) bị xóa sổ.

“Đây là một ví dụ kinh điển minh chứng cho sự biến mất là kết quả của việc chúng ta tiêu dùng, cụ thể là do nạn phá rừng đang được thúc đẩy bởi việc mở rộng sản xuất nông nghiệp để trồng đậu tương – mặt hàng được xuất khẩu sang các nước, bao gồm cả Vương quốc Anh – để nuôi lợn và gà”. Bản thân Vương quốc Anh cũng mất đi rất nhiều động vật hoang dã, đứng thứ 189 về mất đa dạng sinh học trong số 218 quốc gia được xếp hạng năm 2016. Các sinh cảnh bị thiệt hại lớn nhất là các con sông và hồ, nơi các quần thể động vật hoang dã giảm tới 83%, do cơn khát nước để làm nông nghiệp và xây dựng hàng loạt con đập… Một lần nữa có mối liên hệ trực tiếp giữa hệ thống thực phẩm và sự suy giảm động vật hoang dã. Ăn ít thịt là một phần thiết yếu trong việc đảo ngược tổn thất”, Barrett khuyến nghị.

Mặc dù Chỉ số Hành tinh sống bị chỉ trích là quá rộng để đo lường thiệt hại về động vật hoang dã và giảm nhẹ đi các chi tiết quan trọng, song toàn bộ các chỉ số, từ tỷ lệ tuyệt chủng đến tính nguyên vẹn của hệ sinh thái cho thấy tổn thất là khổng lồ.

Trên thực tế, những nỗ lực bảo tồn có thể có hiệu quả, đơn cử như số lượng hổ tăng 20% ở Ấn Độ trong sáu năm qua vì sinh cảnh được bảo vệ hay gấu trúc khổng lồ ở Trung Quốc và rái cá ở Anh cũng đang được bảo vệ, tuy nhiên, Marco Lambertini, Tổng Giám đốc WWF International, cho biết vấn đề cốt lõi nằm ở tiêu thụ: “Chúng tôi không thể làm ngơ trước tác động của các mô hình sản xuất không bền vững và lối sống lãng phí như hiện tại”.

Chung quy vẫn là sức ép dân số toàn cầu khiến tình trạng tiêu thụ thực phẩm và tài nguyên ở quy mô lớn ngày càng gia tăng và điều này đang phá hủy mạng lưới sự sống phải mất hàng tỷ năm mới hình thành được, bao gồm cả không khí sạch, nước và mọi thứ khác mà xã hội loài người phụ thuộc vào.

Ngoài ra, các chuyên gia hàng đầu thế giới cũng đặc biệt cảnh báo việc hủy diệt động vật hoang dã hiện nay sẽ là tác nhân then chốt đe dọa nền văn minh nhân loại.

Giáo sư Johan Rockström, Chuyên gia về tính bền vững toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Tác động khí hậu Potsdam, Đức, thúc giục: “Chúng ta đang sắp hết thời gian. Chỉ bằng cách giải quyết cả hai vấn đề về hệ sinh thái và khí hậu, chúng ta mới có cơ hội bảo vệ một hành tinh ổn định cho tương lai của loài người trên trái đất”.

Nhiều nhà khoa học tin rằng thế giới đã bắt đầu đợt tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu – đợt đầu tiên được gây ra bởi một “loài” được gọi là Homo sapiens. Các phân tích gần đây cho thấy kể từ buổi bình minh của nền văn minh thì loài người đã hủy diệt 83% các loài động vật có vú cùng một nửa số thực vật và ngay cả khi sự hủy diệt kết thúc, phải mất tới 5-7 triệu năm để thế giới tự nhiên phục hồi.

Giáo sư Bob Watson, một trong những nhà khoa học môi trường nổi tiếng nhất thế giới và hiện là chủ tịch của một hội đồng liên chính phủ về đa dạng sinh học, phát biểu vào tháng 3 năm nay rằng động vật hoang dã và các hệ sinh thái đóng vai trò thiết yếu với đời sống con người, việc phá hủy thiên nhiên cũng nguy hiểm như biến đổi khí hậu.

“Thiên nhiên góp phần vào hạnh phúc của con người về văn hóa và tinh thần thông qua việc sản xuất lương thực, nước sạch và năng lượng quan trọng, cũng như qua việc điều chỉnh khí hậu, ô nhiễm, thụ phấn và lũ lụt của trái đất. Báo cáo Hành Tinh Sống thể hiện rõ ràng rằng các hoạt động của con người đang phá hủy thiên nhiên với một tốc độ không thể chấp nhận được, đe doạ sự an sinh của các thế hệ hiện tại và tương lai,” ông kết luận.

Nguyên nhân lớn nhất gây thiệt hại về động vật hoang dã là sự phá hủy sinh cảnh tự nhiên, phần lớn để lấy đất sản xuất nông nghiệp. 3/4 diện tích đất trên trái đất hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người. Giết động vật làm thức ăn là nguyên nhân đứng thứ hai – 300 loài động vật có vú bị ăn đến mức tuyệt chủng – trong khi các đại dương bị đánh bắt quá mức với hơn một nửa hiện đang được đánh bắt công nghiệp.

Hiện các quốc gia trên thế giới đang hướng tới một hội thảo quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học vào năm 2020 khi các cam kết mới về bảo vệ thiên nhiên sẽ được đưa ra. Barrett nhấn mạnh: “Chúng ta cần một thỏa thuận toàn cầu mới cho thiên nhiên và con người và chỉ còn chưa đầy hai năm để đạt được điều đó. Đây là cơ hội cuối cùng nên lần này chúng ta phải đi đúng hướng”.

Còn theo Giám đốc điều hành WWF Tanya Steele, “chúng ta là thế hệ đầu tiên biết rằng mình đang phá hủy hành tinh của chính mình và là thế hệ cuối cùng có thể làm điều gì đó để giải quyết”.

Nhật Anh (Theo Theguardian.com)

CHIA SẺ