Sambor – đập thủy điện lớn nhất Campuchia sẽ hủy hoại sông Mê Công

BVR&MT – Theo Báo cáo mà Tờ Guardian có được, Dự án xây đập Sambor, con đập lớn nhất của Campuchia do Trung Quốc tài trợ sẽ “giết chết” sông Mê Công và địa điểm đề xuất ở Sambor là “nơi tệ nhất có thể để phát triển thủy điện” bởi nó sẽ tác động nghiêm trọng lên loài cá heo sông và ảnh hưởng tới một trong những luồng cá di cư nước ngọt lớn nhất thế giới.

Báo cáo do Chính phủ Campuchia thuê Viện Di sản Thiên nhiên (National Heritage Institute), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn của Mỹ thực hiện trong 3 năm (2014-2017). Tuy nhiên, thay vì phải công bố kết quả đánh giá lựa chọn thay thế đập Sambor, nội dung báo cáo lại được giữ kín kể từ khi đệ trình vào năm ngoái, phớt lờ các kháng cáo và quan ngại từ các tổ chức xã hội dân sự.

Theo một  bản sao bị rò rỉ mà Guardian nắm giữ, Dự án xây đập sẽ tạo ra hồ chứa dài 82 km và một barie bê tông rộng 18 km vắt ngang dòng sông ở Sambor thuộc tỉnh Kratie. Vùng nông thôn tĩnh lặng này nổi tiếng là nơi thích hợp để ngắm loài cá heo Irravaddy quý hiếm có số lượng cá thể cực thấp , chỉ thể hiện sự gia tăng lần đầu tiên trong 20 năm qua.

Đặc biệt, Báo cáo nhấn mạnh phần phát hiện quan trọng là con đập sẽ có tác động hủy diệt đối với ngành thủy sản vì chặn đứng luồng cá di cư từ Biển Hồ – một dòng nhánh quan trọng của sông Mê Công và là nơi tôm cá ngược dòng lên đẻ trứng.

Báo cáo nghiên cứu cảnh báo đập lớn Sambor được đề xuất xây dựng ở Kratie sẽ tàn phá nghề cá mà nhiều cộng đồng  đang dựa vào (Ảnh: Yvette Cardozo / Alamy)

Sông Mê Công là nguồn thủy sản trên đất liền phong phú nhất thế giới, đảm bảm an ninh lương thực cho 60 triệu người. Ủy hội Sông Mê Công (MRC) ước tính giá trị đánh bắt cá tự nhiên từ con sông tại 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam là 11 tỷ đô la. Riêng với nước có tới 80% dân số coi cá là nguồn dinh dưỡng chính như Campuchia thì rủi ro từ con đập lại càng lớn.

Marc Goichot, Chuyên gia nguồn nước của WWF nhấn mạnh tác động tiềm tàng của đập Sambor đối với hệ sinh thái Mê Công: “15 năm nỗ lực của chúng tôi và các đối tác Campuchia trong trận chiến bảo tồn cá heo Mê Công đã mang lại chiến thắng là 15 cá thể non được sinh ra từ năm 2015 nhưng đập Sambor sẽ phá hủy tất cả. Không những vậy, toàn bộ nghề cá, sinh kế và nguồn dinh dưỡng của các cộng đồng nông thôn cũng sẽ bị ảnh hưởng và khu vực ĐBSCL của Việt Nam sớm muộn cũng rơi vào viễn cảnh bị nhấn chìm”.

Được biết, kế hoạch xây đập bắt đầu từ năm 2006 bằng bản ghi nhớ giữa Campuchia và Công ty lưới điện Nam Phương của Trung Quốc nhưng do bị phản đối nên nhà đầu tư Trung Quốc đã rút khỏi dự án vào năm 2008. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu điện trầm trọng, giá điện cao trong khi 50% giá trị đập Sambor phục vụ mục đích xuất khẩu nên Chính phủ Campuchia đã xem xét lại dự án vào năm 2016, sau khi Lào thực hiện 2 dự án đập gây tranh cãi là Xayaburi và Don Sahong.

Phần tóm lược của Báo cáo cũng nêu rõ và đặc biệt nhấn mạnh “con đập xây ở vị trí hiện thời sẽ giết chết dòng sông trừ phi được bố trí, thiết kế và vận hành bền vững. Phạm vi Sambor là nơi tồi tệ nhất để xây dựng một con đập lớn”.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xem xét 10 vị trí thay thế cho địa điểm xây đập Sambor bằng cách sử dụng công nghệ giảm thiểu tiên tiến nhất thế giới. Tuy nhiên, “ngay cả những biện pháp tiên tiến nhất thì vẫn có rủi ro. Không có bằng chứng nào tại các đập lớn trên các dòng sông nhiệt đới áp dụng thành công công nghệ mới nhất về bù đắp nguồn cá”, Giám đốc dự án Gregory Thomas thừa nhận.

Đó cũng là lý do mà Báo cáo khuyến nghị thay vì xây đập mới, Campuchia nên lắp thêm các tấm pin mặt trời nổi vào đập Hạ Sê San 2 và vận hành hồ chứa như một thiết bị hybrid (vừa sử dụng năng lượng thủy điện, vừa sử dụng năng lượng mặt trời). Công suất điện theo đó sẽ được nhân đôi lên mức hơn 800 MW. Hiện công nghệ này đang được áp dụng phổ biến tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Cũng theo các chuyên gia tư vấn, năng lượng mặt trời là phương án duy nhất khả thi về mặt kinh tế sau khi đã tính toán mọi lợi ích cũng như chi phí. Tuy nhiên, đối với Campuchia, việc ứng dụng công nghệ thái dương năng còn khá dè dặt nên phản hồi rất ơ hờ về việc loại bỏ Sambor và đề xuất lắp thêm 400 MW ở Hạ Sê San 2.

Bản thân Thứ trưởng Bộ Năng lượng Campuchia Ith Praing cũng chia sẻ nửa chừng: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm và còn quá sớm để công bố bất kỳ thông tin gì liên quan đến đập Sambor”.

Cũng theo ông Praing, sẽ không có quyết định nào được đưa ra cho tới sau kỳ bầu cử vào tháng 7 và giả như con đập được chấp thuận thì ứng viên hàng đầu dể xây dựng sẽ là Công ty năng lượng quốc tế Hydrolancang của Trung Quốc. Dấu hiệu này cho thấy nhiều khả năng Campuchia đang ngả theo hướng xây dựng đập.

Nhật Anh (Theo Theguardian.com)